Phát triển du lịch cộng đồng - Bảo tồn bản sắc văn hóa Xứ Lạng
Đoàn khách du lịch Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm trong nhà sàn tại làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) |
Cộng đồng người Tày, Nùng ở Lạng Sơn sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa, nên đồng bào Tày, Nùng với rất nhiều nét văn hóa truyền thống đã bị biến đổi, mai một dần, nhiều phong tục gần như mất hẳn. Phát triển DLCĐ là một hướng đi mới tạo ra sinh kế cho người dân địa phương, vừa góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa.
Chính vì thế, từ năm 2010, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã lựa chọn xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn để xây dựng mô hình DLCĐ với nhiều biện pháp thiết thực như: hỗ trợ kinh phí sửa sang nhà cửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ du khách; thành lập và đầu tư về trang phục, nhạc cụ cho đội văn nghệ xã; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm… Đến nay, chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch đã được nâng cao với số lượng khách đến tham quan ngày càng nhiều. Từ 5 hộ gia đình điểm đủ điều kiện đón tiếp, phục vụ khách du lịch, đến nay con số này đã tăng lên hơn 20 hộ. Nếu như cả năm 2011 có 186 khách đến với làng DLCĐ Quỳnh Sơn thì đến năm 2016 con số này đã đạt 1.559 lượt khách, (trong đó có 1.363 khách nội địa và 196 khách quốc tế). Điều đáng nói là từ khi có mô hình này, một bộ phận người dân nơi đây đã được chuyển đổi ngành nghề, giảm bớt công việc nặng nhọc, giảm khai thác tài nguyên, nguồn lợi lâm thổ sản. Bà Dương Thị Hoa, xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Từ lúc có DLCĐ tôi thấy đường sá, nhà cửa, cảnh quan môi trường ở đây sạch hơn, đẹp hơn rất nhiều. Tôi cũng mong gia đình mình được hỗ trợ sửa sang nhà cửa để đạt tiêu chuẩn, đón tiếp khách du lịch, nâng cao thu nhập.
Từ hiệu quả của mô hình làng DLCĐ Quỳnh Sơn, Sở VHTTDL tỉnh đã và đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát tiềm năng, nhân rộng mô hình DLCĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2016 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp lữ hành triển khai khảo sát tại 5 xã: Hải Yến, Gia Cát, Xuất Lễ (Cao Lộc) và Hữu Liên, Quyết Thắng (Hữu Lũng). Dựa trên kết quả khảo sát, Sở VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai lập đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Hữu Liên (Hữu Lũng). Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở VHTTDL đã chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng đề án phát triển mô hình DLCĐ tại xã Hữu Liên, đồng thời phối hợp tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về DLCĐ cho bà con nhân dân xã Hữu Liên, thu hút hơn 110 người tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển DLCĐ cũng còn gặp một số hạn chế nhất định như: công tác vệ sinh môi trường; ý thức bảo tồn di sản của người dân chưa tốt; một số công trình xây dựng có kiến trúc không phù hợp, phá vỡ cảnh quan môi trường… Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: DLCĐ là một loại hình du lịch bền vững, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc. Để tiếp tục nhân rộng, phát triển loại hình du lịch này, sở đã chỉ đạo mỗi huyện khảo sát, lựa chọn và xây dựng một mô hình DLCĐ. Tập trung xây dựng hoàn chỉnh làng DLCĐ Hữu Liên với những biện pháp cụ thể như: gắn biển chỉ dẫn từ quốc lộ 1A, chọn các hộ gia đình điểm để hỗ trợ…
Với sự quyết tâm và những biện pháp thiết thực, cụ thể đó, tin tưởng rằng DLCĐ sẽ phát triển đem lại hiệu quả đa chiều, hoàn thành mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng.
Ý kiến ()