Phát triển du lịch biển ở ba tỉnh Bắc Trung Bộ
Không gian bên bờ biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) sau chỉnh trang, cải tạo
Khai thác tiềm năng biển
Ba tỉnh Bắc Trung Bộ có hơn 320 km bờ biển với nhiều bãi tắm trải dài cát trắng, biển xanh được ví như “nàng tiên biển”, rất thuận lợi trong phát triển du lịch biển. Trong nhiều khu du lịch biển ở xứ Thanh, xứ Nghệ thì các khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm… nổi bật trong bản đồ du lịch Việt Nam, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Sầm Sơn, Cửa Lò là các khu du lịch biển nổi tiếng, có bề dày hơn 100 năm khai thác, phát triển du lịch, kể từ khi người Pháp chọn, triển khai xây dựng khu nghỉ dưỡng vào những năm đầu của thế kỷ 20. Các địa phương đều ý thức rõ tiềm năng, lợi thế vùng duyên hải, chủ động, sáng tạo, sớm cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo bước phát triển đột phá, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói. Ngoài tranh thủ hỗ trợ của Trung ương, bố trí tập trung các nguồn đầu tư ở địa phương, ba tỉnh đã “trải thảm đỏ” thu hút các tập đoàn lớn có uy tín, kinh nghiệm đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch biển.
Với những bãi tắm rộng, trải dài cát trắng, Sầm Sơn đang được tỉnh Thanh Hóa dồn sức phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển. Hằng năm, tỉnh bố trí 200 đến 300 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng đô thị Sầm Sơn, nhất là các công trình giao thông, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng; đồng thời thu hút các thành phần kinh tế cùng đầu tư vào du lịch biển. Sầm Sơn như được “lột xác” khi Tập đoàn FLC đầu tư, đưa vào khai thác quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; chỉnh trang, cải tạo không gian bên bờ biển. Năm 2018, đô thị biển Sầm Sơn đón gần 4,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 3.660 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2017.Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn Lương Tất Thắng nhấn mạnh: Thành phố đang nỗ lực làm mới phố biển, như làm tuyến đường hoa tới danh thắng hòn Trống Mái; tổ chức lễ hội tình yêu, carnival đường phố, tuyến phố đi bộ, chợ đêm. Tập đoàn Sun Group đang triển khai xây dựng quảng trường biển, trục lễ hội cùng các hạng mục công trình vui chơi giải trí bên sông Ðơ… Theo đó, Sầm Sơn sẽ có thêm những sản phẩm du lịch mới, góp phần phá thế du lịch một mùa.
Từ một làng chài với bãi biển đẹp hoang sơ, sau 25 năm trở thành thị xã du lịch biển, Cửa Lò (Nghệ An) đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Nguyễn Thị Dung cho biết: Bên cạnh việc thu hút được hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương, địa phương, nhất là các doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, sân gôn… nhằm kết nối đô thị du lịch biển này vào chuỗi du lịch xuyên Việt, Cửa Lò còn thường xuyên tổ chức giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch tới du khách trong nước và nước ngoài. Ðịa phương có chính sách hỗ trợ người dân phát triển mạnh nghề chế biến hải sản, tạo dựng thương hiệu nước mắm, cá thu nướng, các mô hình nông nghiệp sạch nhằm phục vụ du khách ngày một tốt hơn. Lượng du khách về với Cửa Lò ngày một tăng: Năm 2016, đón khoảng 1,65 triệu lượt người, năm 2018 đã tăng lên 2,7 triệu lượt người; doanh thu du lịch đạt 2.851 tỷ đồng, tăng 25,4% so với năm 2017,…
Cách TP Hà Tĩnh hơn 20 km về phía đông nam theo quốc lộ ven biển Xuân Hội – Vũng Áng, biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) mang đậm dấu ấn huyền thoại của miền biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Từ một bãi biển hoang sơ, ngày nay, Thiên Cầm đang vươn mình để trở thành một khu nghỉ dưỡng hấp dẫn, khu du lịch trọng điểm quốc gia. Năm 2017, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, về phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư, khai thác mọi nguồn lực để củng cố hạ tầng, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển. Kết quả, đã thu hút được nhiều dự án lớn như: tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao Vinpearl Cửa Sót do Tập đoàn Vin Group làm chủ đầu tư; dự án
Xuân Thành Paradise Golf & Resort được triển khai tại Khu du lịch biển Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), với sân gôn 18 lỗ, trường đua chó, khách sạn 5 sao, khu vui chơi
giải trí… Những dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo vùng biển Hà Tĩnh, đưa nơi đây trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách.
Ðể du lịch biển phát triển bền vững
Tập trung khai thác thế mạnh du lịch biển nên “ngành công nghiệp không khói” ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có bước tiến khá nhanh, ổn định, đóng góp lớn cho tăng trưởng ở các địa phương, chiếm tỷ trọng cao cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh duyên hải phía bắc, du lịch biển các tỉnh bắc Trung Bộ đều bị tác động sâu sắc của tình trạng “ngủ đông” do thời tiết, tạo ra mùa cao điểm và thấp điểm trong du lịch. Nhiều khách sạn, nhà hàng khó giữ chân nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; lao động du lịch không ổn định, tăng, giảm theo thời vụ, phong cách phục vụ, trình độ quản trị, ngoại ngữ của nhân lực du lịch còn hạn chế. Không ít địa phương chưa coi trọng công tác phát triển du lịch khi bố trí cán bộ kiêm nhiệm quản lý nhà nước về du lịch… Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng du lịch còn ít, chưa đáp ứng vào mùa cao điểm. Tiến độ thực hiện các dự án du lịch quy mô lớn ở các địa phương còn chậm do năng lực chuyên môn, tài chính của chủ đầu tư; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cho nên sản phẩm mới chậm hình thành. Các sản phẩm du lịch thiếu tính độc đáo, đơn điệu; thiếu các khu vui chơi, giải trí cao cấp. Các bãi biển đẹp bị “băm nát”, nhất là lối một (sát bờ biển) chưa được quy hoạch tổng thể, liên kết giữa các vùng. Sự kết nối, quảng bá chưa có tầm chiến lược, thiếu thường xuyên giữa các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp… Ðây chính là trăn trở của lãnh đạo các địa phương cũng như người làm công tác du lịch. Sau khi có Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, nhiều quyết sách đã được các địa phương, ngành du lịch cùng doanh nghiệp đưa ra để tập trung khắc phục những yếu kém, hạn chế, tạo điều kiện cho du lịch biển phát triển theo hướng bền vững.
Các địa phương đã mời các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nói chung, trong đó có du lịch biển phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển chung của tỉnh, khu vực. Theo đó, gắn với việc Nhà nước tạo cơ chế, ưu tiên bố trí vốn xây dựng tuyến quốc lộ ven biển, các địa phương bố trí nguồn lực tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối với quốc lộ này để phát triển các khu du lịch biển, gắn kết đô thị du lịch biển của các tỉnh với nhau. Bên cạnh đó, các tỉnh lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn đầu tư các tuyến đường lớn nối trung tâm tỉnh lỵ với các đô thị biển như ở Sầm Sơn, Thiên Cầm nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, phát huy cơ sở hạ tầng du lịch ở các khu đô thị du lịch biển. Hiện, tỉnh Nghệ An đang đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ rộng 70 m, dài 20 km nối TP Vinh với thị xã Cửa Lò và quy hoạch các khu chức năng, hệ thống đường tàu điện để đưa Cửa Lò gần Vinh hơn và Vinh trở thành thành phố biển trong tương lai gần. Vào mùa thấp điểm, các hãng du lịch có uy tín, thương hiệu, năng lực thực hiện kết nối chuỗi du lịch điểm đến Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm theo phân khúc thị trường, khai thác cơ sở lưu trú, dịch vụ hiện có hay mời gọi, tổ chức các sự kiện. Các công ty du lịch luân chuyển cán bộ, nhân viên từ khu du lịch biển lên các khách sạn, nhà hàng ở đô thị tỉnh lỵ để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thời gian qua, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đồng hành cùng doanh nghiệp trong xây dựng các dự án du lịch. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã và đang triển khai, nhất là các dự án lớn nhằm sớm hình thành sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo, khác biệt. Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Nguyễn Thị Dung cho biết: Dự kiến trong tháng tới, sau khi nhận được mặt bằng sạch, Tập đoàn Vin Group sẽ khởi công đầu tư xây dựng dự án tổ hợp vui chơi cao cấp và cáp treo Vinpearl Cửa Hội giai đoạn 2 ở đảo Song Ngư, phấn đấu đến năm 2021 sẽ đưa vào hoạt động. Các địa phương kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ hay giữ đất để chuyển nhượng các khu vực “đắc địa” bên bờ biển.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến chia sẻ: Bên cạnh tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển theo hướng văn minh, thân thiện, bền vững, Thanh Hóa tăng cường tuyên truyền, quảng bá, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành lớn, có uy tín, thương hiệu; hỗ trợ các hãng hàng không mở, khai thác thêm các đường bay trong nước, quốc tế thu hút khách du lịch về Thanh Hóa. Cơ quan chuyên ngành, các địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý các khu, điểm du lịch. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, văn hóa ứng xử cho đội ngũ nhân lực, lao động du lịch; triển khai sâu rộng bộ quy tắc ứng xử, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tạo môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hấp dẫn. Phối hợp với các ngành, địa phương cùng các chuyên gia để nghiên cứu, tạo dựng các sản phẩm du lịch có thương hiệu vùng miền độc đáo, có giá trị cao để thu hút du khách…
Ðây cũng là ý kiến chung của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nhằm góp phần phát triển nhanh, bền vững “ngành công nghiệp không khói” cho khu vực Bắc Trung Bộ này.
Ý kiến ()