Phát triển đối tượng bảo hiểm y tế gặp khó do dịch Covid-19
Trước tác động nặng nề của dịch Covid-19, việc phát triển đối tượng bảo hiểm y tế đã gặp nhiều khó khăn.
Thông tin từ Ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, tính đến ngày 20-11, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên toàn quốc là 86,35 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 89,2% dân số tham gia BHYT.
Con số này hiện nay thấp hơn chỉ tiêu được giao trong Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định 1167) khoảng 1,5%. Theo đó, số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam giao 90,9% là 1,7 triệu người.
Dựa trên chỉ tiêu giao tại Quyết định 1167, 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT cao hơn, 40 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp hơn. Một số địa phương có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu giao là: Bạc Liêu (thấp hơn 12,3%), Bình Thuận (thấp hơn 9,7%), Tây Ninh (thấp hơn 9,7%), Đồng Nai (thấp hơn 8,4%), Thành phố Hồ Chí Minh (thấp hơn 8%).
Về phát triển BHYT học sinh – sinh viên (HSSV), tính đến nay, con số tham gia BHYT ở nhóm này là 21 triệu người so với tổng 23 triệu người trong chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao. Tỷ lệ tham gia BHYT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thấp, có nơi chưa đạt được 50%.
Một trong những nguyên nhân được đưa ra do tác động nặng nề của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lớn người dân “thoát nghèo”, không còn thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT nên họ ra khỏi hệ thống BHYT. Hệ thống đại lý BHYT mỏng, kỹ năng tuyên truyền của nhiều nơi chưa đủ thuyết phục. Một số cán bộ thu chưa bám sát cơ sở trường, phường, xã, thị trấn…
Từ nay tới cuối năm, BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung, tìm giải pháp đột phá và quyết liệt hơn trong phát triển đối tượng tham gia BHYT, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 90% dân số cả nước được Chính phủ giao.
Cụ thể như, rà soát, căn cứ vào thực tế của địa bàn để có các giải pháp phù hợp; bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bằng hình thức hiệu quả.
Phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trích ngân sách địa phương, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mua tặng thẻ BHYT cho người dân, HSSV có hoàn cảnh khó khăn, nhất là tại các địa phương bị thiệt hại do mưa, lũ.
Đồng thời, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ sở giáo dục vận động 100% học sinh, sinh viên, đặc biệt HSSV các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, học sinh lớp 10, sinh viên năm thứ 2 trở đi.
Phối hợp với các đại lý thu (bưu điện, phường xã…) tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT bằng nhiều hình thức linh hoạt như vận động trực tiếp, tổ chức hội nghị khách hàng… Ưu tiên tuyên truyền vận động nhóm đối tượng tiềm năng có thu nhập, người lao động đang bảo lưu, hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm hoãn hợp đồng lao động, HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, dạy nghề.
Một số địa phương cần quan tâm hơn nữa đến nhóm người lao động vừa tạm dừng, chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đưa nhóm này vào tham gia BHYT hộ gia đình.
* Theo Quyết định 1167/QĐ-TTg, chỉ tiêu thực hiện BHYT trong năm 2020 được giao là 90,7%.
Ý kiến ()