Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Vị trí trọng tâm của 7 nhiệm vụ giải pháp
LSO - Trong 7 nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch số 96/KH-UBND, ngày 30/10/2014 triển khai Chương trình hành động số 100 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt...
Cán bộ, giáo viên THPT dự lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ
Phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng
Đến cuối năm học 2013-2014, toàn ngành GD&ĐT Lạng Sơn có 1.719 cán bộ quản lý và 15.741 giáo viên các cấp học. Tuy giáo viên mầm non thiếu cục bộ ở một số địa phương, giáo viên trung học chưa thật đồng bộ về cơ cấu, song nhìn chung đội ngũ cán bộ giáo viên Lạng Sơn đã đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển về quy mô và hình thành các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, trong 10 năm qua, đã có hàng ngàn lượt giáo viên được cử đi đào tạo nâng cao trình độ, hàng vạn lượt giáo viên được bồi dưỡng các chuyên đề. Trong năm học 2013-2014, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh cử 37 cán bộ giáo viên đi học thạc sĩ trong nước, 2 giáo viên đi nghiên cứu sinh, 1 giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài. Đào tạo nâng chuẩn trình độ cho 1.416 cán bộ quản lý và giáo viên các cấp. Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho 158 cán bộ quản lý từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông. Tổ chức 102 lớp bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp cho 8.804 lượt cán bộ, giáo viên các cấp học.
Vì vậy, trình độ chuyên môn của đội ngũ đã được nâng lên, toàn ngành có 4 tiến sĩ (2 người ở Trường THPT Chu Văn An, 2 người ở Trường CĐSP Lạng Sơn), 253 thạc sĩ (khối trung học phổ thông 145 người, khối trung tâm GDTX 21 người, khối phòng GD 3 người và khối giáo dục chuyên nghiệp 84 người). Cơ bản giáo viên các cấp học đạt trình độ chuẩn trở lên và có tỷ lệ đáng kể giáo viên trên chuẩn.
Đổi mới đánh giá xếp loại giáo viên
Ngành đã đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) theo hướng chuẩn hóa về năng lực sư phạm, năng lực nghề nghiệp. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, phù hợp với quy hoạch giáo dục Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020. Thực hiện đổi mới công tác đánh giá cán bộ giáo viên. Theo đó, một mặt đánh giá theo chuẩn cấp học và theo Quyết định 06/2006 của Bộ Nội vụ, kết hợp các hình thức đánh giá qua dư luận xã hội, đánh giá qua cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể.
Qua đánh giá cho thấy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD Lạng Sơn đang dần hội đủ các yếu tố phẩm chất và năng lực, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới công tác quản lý và đổi mới công tác dạy và học.
Giáo viên bao giờ cũng là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD Lạng Sơn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, có ý nghĩa như “đòn bẩy” để thúc đẩy các nhiệm vụ, giải pháp khác, nhất là đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Có được đội ngũ giáo viên như vậy, cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, việc hoàn thành 4 chỉ tiêu và các chỉ số mà Chương trình hành động số 100 đã đề ra hoàn toàn nằm trong “tầm tay” của ngành.
Thách thức vẫn ở phía trước
Kỳ thi Quốc gia năm 2015 sẽ là “phép thử” cho ngành giáo dục Lạng Sơn ở cả 2 mặt: trình độ đội ngũ giáo viên và tinh thần thực hiện “Hai không”. Theo Bộ GD&ĐT, cấu trúc đề thi quốc gia 2015 sẽ có 2 phần từ dễ đến khó. Phần “dễ” là cơ sở để ngành xét tốt nghiệp, phần “khó”- phần nâng cao sẽ mang tính sàng lọc mạnh mẽ để thực hiện xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Đề thi cũng có 4 mức như nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao nhằm tăng cường năng lực xử lý các vấn đề thực tế của học sinh; nhất là đề thi các môn khoa học xã hội sẽ theo hướng “mở”. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển kỹ năng; đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học… là đòi hỏi cao nhất của người giáo viên. Để có được đội ngũ có đầy đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của đổi mới, ngành GD&ĐT Lạng Sơn vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bài, ảnh: Minh Hồng
Ý kiến ()