Phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa
Dự thảo Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam trình Hội nghị Lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định giải pháp then chốt là nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Để làm rõ hơn những bước chuẩn bị tích cực của ngành giáo dục trong việc tạo các tiền đề tiến tới quản lý và phát triển đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS Vũ Quốc Chung, Nguyên Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giám đốc Dự án Phát triển giáo viên trung học phổ thông (THPT) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
PV: Là người gắn bó lâu năm với ngành sư phạm , theo Ông vì sao nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ nhà giáo được coi là giải pháp then chốt nhằm Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo ?
PGS Vũ Quốc Chung: Tôi thấy nhận định đó hoàn toàn đúng đắn và quan trọng vì trong tình hình hiện nay, điều quan trọng nhất là phải làm cho các em say mê học tập, tích cực học tập và phát huy khả năng sánh tạo. Ai làm điều này. Đó chính là các giảng viên đại học và các giáo viên trong trường phổ thông. Khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay chính là đội ngũ các nhà giáo, đó là nhận định hoàn toàn chính xác, nếu làm tốt, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thì sẽ là giải pháp đầu tiên, quan trọng, quyết định nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
PV: Ông có thể cho biết những kết quả hoạt động của Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN trong 3 năm qua đã tạo nên những tiền đề gì để ngành giáo dục thực hiện Đề án này thời gian tới ?
PGS Vũ Quốc Chung: Trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, Dự án đã xây dựng và đề xuất để Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành được các bộ chuẩn: Chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT và TCCN, Chuẩn Hiệu trưởng Trường phổ thông, Chuẩn Giám đốc Trung tâm GDCN … Việc xây dựng và ban hành các Chuẩn này là một kết quả bền vững mà dự án đạt được và sẽ được sử dụng như một công cụ pháp lý cơ bản của toàn ngành trong nhiều năm tới. Đây là tiền đề để có thể thực hiện việc quản lý và phát triển đôi ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa – một yêu cầu mà Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã đặt ra.
PV: Ông có thể cho biết những định hướng mới trong việc đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên thời gian tới?
PGS Vũ Quốc Chung: Chúng tôi xác định phát triển đội ngũ giáo viên thông qua việc tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo giáo viên, hệ thống trường sư phạm. Theo tôi đây là một phương pháp căn bản vì nếu chúng ta tiến hành Đổi mới giáo dục mà không bắt đầu từ chính đội ngũ người thầy đã được đào tạo theo cách đổi mới thì kết quả sẽ hạn chế.
Chúng tôi xác định phát triển đội ngũ giáo viên theo một định hướng mới là phát triển năng lực nghề nghiệp thay cho định hướng trước đây là phát triển kỹ năng và kiến thức của người thầy.
Lần đầu tiên chúng tôi xây dựng Chương trình bồi dưỡng giáo viên tập sự để sử dụng trong hệ thống các trường sư phạm cả nước. Với chương trình này các sinh viên (SV) sư phạm trước khi tốt nghiệp sẽ trải qua ít nhất 18 tháng thực tập nghề giáo viên thay vì chỉ có 6 tháng như hiện nay. Họ sẽ cọ xát và qua đó biết cách giải quyết mọi tình huống sư phạm nảy sinh trong thực tế như: ngăn chặn nguy cơ một vụ bạo lực học đường, hướng dẫn tổ chức các hoạt động của Hội phụ huynh,…. Tôi cho rằng việc triển khai Chương trình giáo viên tập sự này sẽ tạo bước chuyển căn bản từ chỗ người giáo viên chuyên dạy kiến thức chuyển sang chú ý dạy các em kỹ năng sống, hình thành và phát triển nhân cách, hướng tới một nền giáo dục vì mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất con người , thay cho mục tiêu nặng về trang bị, thậm chí nhồi nhét đến quá tải kiến thức cho học sinh như hiện nay.
Tôi tin rằng với những kết quả mà Dự án nỗ lực thực hiện thời gian qua, cùng với các đơn vị khác của ngành, chúng ta đã có những tiền đề tốt để thực hiện Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo .
Ý kiến ()