Phát triển đội ngũ luật sư: Cần nâng chất và lượng
– Luật sư ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, số lượng luật sư còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu, do đó các cấp, ngành cần quan tâm nâng cao chất lượng và số lượng luật sư trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 10/12/2012 của UBND tỉnh về việc triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 40 luật sư, 11/11 huyện, thành phố có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động hành nghề luật sư. Trong 10 năm qua, công tác phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, tại thời điểm báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược (tháng 5/2020), toàn tỉnh đã có 42 luật sư (tăng 21 luật sư so với năm 2011); 10 văn phòng luật sư (tăng 1 văn phòng so với năm 2011) và 6 chi nhánh. Hiện nay, toàn tỉnh có 45 luật sư, 10 văn phòng luật sư, 7 chi nhánh. Trong đó có 4 luật sư không hành nghề do sức khỏe yếu, 4 luật sư thành viên Đoàn Luật sư (ĐLS) tỉnh hoạt động ngoài tỉnh.
Luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, tại Tòa án Nhân dân tỉnh
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh còn ít, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Luật sư Hoàng Văn Lằn, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh cho biết: Các tổ chức hành nghề luật sư chủ yếu tập trung ở thành phố, (9/10 văn phòng luật sư đặt tại thành phố, 1 văn phòng tại Tràng Định); 5 huyện chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư (Đình Lập, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng). Các luật sư chủ yếu tham gia tố tụng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh mời tham gia tố tụng theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và một số vụ việc dân sự, hành chính, tranh chấp thương mại và hòa giải thương mại. Trên địa bàn tỉnh chưa có các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Từ năm 2012 đến nay, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện hơn 3.000 vụ việc dịch vụ pháp lý các loại.
Nguyên nhân thực trạng đội ngũ luật sư chưa phát triển mạnh, do Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới nhiều khó khăn, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa có chủ động tìm hiểu pháp luật; thu nhập thấp nên nhu cầu người dân sử dụng dịch vụ pháp lý do luật sư cung cấp chưa cao. Đoàn Luật sư (ĐLS) tỉnh còn gặp khó khăn về nơi làm việc, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hoạt động hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng đó, hơn 90% thành viên của ĐLS là cán bộ ngành tư pháp nghỉ hưu, độ tuổi trung bình trên 60 tuổi. Dẫn đến hạn chế trình độ ngoại ngữ, tin học, việc cập nhật, nghiên cứu văn bản mới để nâng cao kiến thức pháp luật còn chậm. Trong khi đó đội ngũ luật sư trẻ không “mặn mà” với địa phương, do chưa có chính sách thu hút, thu nhập chưa đảm bảo.
Ông Nguyễn Minh Chí, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: Trước thực trạng đó, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho sở tăng cường tuyên truyền về Luật Luật sư, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho luật sư, đẩy mạnh kiểm tra kịp thời chấn chỉnh vi phạm, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động hành nghề luật sư. Đồng thời đề xuất biểu dương, khen thưởng luật sư có thành tích tiêu biểu; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập tổ chức nghề luật sư, khuyến khích luật sư trẻ gia nhập, đăng ký hành nghề trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, luật sư ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và hoạt động của luật sư góp phần bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, nâng cao cả chất lượng và số lượng đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh, để đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Ý kiến ()