Phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch - Cần nâng cao đồng bộ cả lượng và chất
Để tận dụng tối đa lợi thế nội lực và ngoại lực, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm, trong đó có phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đủ tầm về số lượng và chất lượng.
*Thiếu về chất và lượng
Hướng dẫn viên du lịch được xem là điểm mấu chốt quyết định sự thành bại của ngành du lịch. Họ vừa là đại sứ thương hiệu hình ảnh của các tổ chức du lịch; đồng thời là đại sứ thương hiệu mang tầm quốc gia, đại diện cho một đất nước quan tâm đến sự phát triển du lịch.
Tính đến tháng 6/2016, Việt Nam có 9.920 hướng dẫn viên quốc tế phục vụ cho gần 8 triệu lượt khách inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và 6 triệu khách outbound (khách trong nước đi nước ngoài); hơn 7.400 hướng dẫn viên nội địa phục vụ hơn 45 triệu lượt khách. Số lượng hướng dẫn viên hiện tại chỉ mới đáp ứng 40% khách quốc tế và hơn 15% khách nội địa. Theo các chuyên gia, để có thể phục vụ 100% lượng khách trong và ngoài nước phải cần ít nhất khoảng 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên nội địa.
Không chỉ thiếu về số lượng mà vấn đề về cơ cấu, chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên cũng là điều đáng lưu tâm . Ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng ban Hướng dẫn viên Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, hiện hướng dẫn viên du lịch đang mất cân đối về cơ cấu. Dẫn chứng là số hướng dẫn viên tiếng Anh hiện nay là hơn 5.500 người, tiếng Hoa là 1.586 người, tiếng Pháp là 1.135 người, tiếng Đức là 412 người…
“Cơ cấu nghề này tại các tỉnh, thành cũng chưa hợp lý, cụ thể Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2.500 hướng dẫn viên quốc tế và 2.357 hướng dẫn viên nội địa; Đà Nẵng có 1.353 hướng dẫn viên quốc tế và 931 hướng dẫn viên nội địa… trong khi đó, đáng lẽ con số hướng dẫn viên nội địa cần phải gấp đôi hướng dẫn viên quốc tế”, ông Nguyễn Văn Mỹ lý giải.
Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo hướng dẫn viên du lịch hiện đang có nhiều bất cập. Hiện nay, nghề hướng dẫn viên du lịch được đánh giá là một trong những ngành đào tạo có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở bậc cao đẳng và đại học trên cả nước. Song, nhiều hướng dẫn viên sau khi được đào tạo bài bản ở các trường đại học, cao đẳng, nhưng khi được tuyển dụng, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ khách sạn đều phải đào tạo lại hoặc bổ sung thêm kỹ năng mềm, ngoại ngữ.
Theo ông Nguyễn Minh Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Lữ hành Bến Thành Tourist: “30% thị trường khách du lịch nước ngoài cần hướng dẫn viên nói được tiếng Đức, Nhật, Hàn Quốc. Tuy nhiên, do không tìm được lao động chuyên ngành đủ trình độ đáp ứng nhu cầu này nên hiện nay trung tâm đành bỏ ngỏ thị trường này”.
Ông Trần Ngọc Lương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cũng thừa nhận, đa số các sinh viên tốt nghiệp đều được chúng tôi đào tạo lại từ 6 – 12 tháng mới có thể bắt đầu công việc.
*Cần sự phối hợp đồng bộ giữa “ba nhà”
Để nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa thực tiễn ngành nghề với đào tạo kiến thức chuyên môn tại các đơn vị đào tạo du lịch trên cả nước. Nhà trường giảng dạy du lịch cần tổ chức nhiều chương trình học thiết thực cho sinh viên như: chủ động gửi sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch; mời cán bộ thực tế tham gia giảng dạy các nội dung học phần cũng như đánh giá khóa luận tốt nghiệp của sinh viên…
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, nâng cao chất lượng nghề cho hướng dẫn viên du lịch không chỉ là công việc đơn lẻ của nhà trường, doanh nghiệp hay nhà nước mà là sự cộng hưởng, kết hợp rất nhịp nhàng của cả 3 bên mới có thể tạo được sự xoay chuyển mạnh mẽ về lượng và chất. Nhà nước cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên du lịch qua các hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ; có cơ chế thu hút chuyên gia giỏi và mời gọi doanh nghiệp du lịch tham gia vào công tác đào tạo nhân lực.
Đối với các cơ sở đào tạo nên chú trọng đến việc tuyển sinh những sinh viên có năng lực học ngoại ngữ tốt; tăng cường liên kết có kế hoạch và lâu dài với doanh nghiệp tuyển dụng. Nhà doanh nghiệp có thể thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo nguyên tắc đặt hàng.
“Việc kết hợp giữa cung và cầu chặt chẽ, thường xuyên sẽ rút ngắn thời gian và công sức của doanh nghiệp sau tuyển dụng cũng như nâng cao vai trò, vị thế của nhà trường trong công tác đào tạo”, Tiến sĩ Phạm Hồng Long chia sẻ.
Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam VTOS phiên bản mới (2013) (Bộ tiêu chuẩn VTOS 2013) cũng đã chính thức được Tổng cục Du lịch phê duyệt để triển khai các hoạt động đào tạo trong khuôn khổ Dự án EU (Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, do Liên minh châu Âu tài trợ). Bộ tiêu chuẩn VTOS 2013 cung cấp hơn 65 chứng chỉ đề xuất cho các đối tượng từ nhân viên tập sự đến quản lý cấp cao. Tiêu chuẩn này hiện đã được áp dụng tại nhiều cơ sở đào tạo du lịch trên cả nước. Đây là thước đo đánh giá kỹ năng nghề của nhân viên, người lao động thông qua các kỳ thẩm định.
Theo ông Đoàn Mạnh Cương, Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ tiêu chuẩn VTOS 2013 được xây dựng trên cơ sở những yêu cầu “năng lực” chứ không như trước đây theo cách tiếp cận yêu cầu “kỹ năng”. Do đó, Bộ tiêu chuẩn VTOS 2013 hướng đến tính mở, linh hoạt, phù hợp cho việc áp dụng vào từng đối tượng cụ thể. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp người lao động trong ngành du lịch Việt Nam được công nhận theo Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP)./.
Ý kiến ()