Phát triển doanh nghiệp: Tập trung nâng cao về chất
(LSO) – Từ đầu năm đến tháng 11/2019, toàn tỉnh có 323 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.987 tỷ đồng; vốn bình quân của một doanh nghiệp mới thành lập đạt gần 10 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn
Năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh việc khuyến khích khởi nghiệp, vận động chuyển đổi từ mô hình kinh tế hộ gia đình sang hình thức doanh nghiệp để tăng về lượng, các ngành đã tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cho doanh nghiệp như: đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp; phát triển quy mô về vốn; đầu tư chiến lược sản xuất kinh doanh bài bản, linh hoạt… Đặc biệt, tiếp tục đồng hành, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là giải pháp chủ đạo, xuyên suốt.
Sản xuất máy bơm tại Công ty TNHH Bảo Long
Theo đó, tháng 2/2019, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 để động viên, khích lệ và thông tin nội dung giải quyết hơn 40 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong năm 2018 liên quan đến cơ chế, chính sách, mặt bằng sản xuất và thủ tục hành chính; đồng thời lắng nghe chia sẻ, đề xuất, vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp. Đến tháng 8/2019, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư để cùng doanh nghiệp từng bước tháo bỏ nút thắt trong quá trình hoạt động.
Ông Đào Trọng Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Theo thống kê của hiệp hội, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các ngành, UBND các huyện xử lý giải quyết gần 70 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, HTX. Các kiến nghị đều được trả lời rõ ràng, kịp thời bằng văn bản, chỉ có một số nội dung về giải phóng mặt bằng, quy hoạch, điều chỉnh hạng mục đầu tư và chính sách thuế do có liên quan đến nhiều cơ quan và một số vấn đề vượt thẩm quyền của tỉnh, cần trình xin ý kiến Trung ương thì xử lý chậm hơn.
Ngoài công tác đối thoại, khi có những vấn đề vướng mắc lớn, kéo dài hoặc cần giải quyết sớm để đảm bảo tiến độ dự án, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh thường trực tiếp kiểm tra, làm việc tại doanh nghiệp, khu vực dự án để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, như: giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng và khu tái định cư liên quan đến dự án mở rộng khai trường mỏ than Na Dương; kiểm tra, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án Sân golf Hoàng Đồng;… Qua đó, trong năm 2019, chính quyền và doanh nghiệp tỉnh đã tìm được tiếng nói chung, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ngày càng phát triển ổn định.
Phát triển có định hướng, chọn lọc
Ngày 23/8/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 6.500 doanh nghiệp. Trong đó, đề án đưa ra những chỉ tiêu nâng cao về chất lượng doanh nghiệp rất cụ thể như: quy mô vốn sản xuất bình quân 1 doanh nghiệp tăng khoảng 15 – 17%/năm, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đạt trên 60%, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng bình quân 10%/năm và tỷ lệ đóng góp của khối doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước bình quân hằng năm tăng trên 15%.
Đóng gói muối tinh iốt tại Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên
Trên tinh thần đó, song song với khuyến khích thành lập mới doanh nghiệp, tỉnh cũng kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, hạn chế về nhân lực, vật lực. Từ đầu năm đến ngày 31/10/2019, UBND tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của 223 doanh nghiệp; giải thể 102 doanh nghiệp; 124 doanh nghiệp phải đăng ký tạm ngừng hoạt động do không đủ điều kiện.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành bên cạnh mục tiêu phát triển về số lượng thì cần tập trung nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện các giải pháp hỗ trợ về vốn đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có mặt bằng mở rộng quy mô cũng như thành lập mới. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thuế chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập về chính sách thuế.
Từ đầu năm đến tháng 11/2019, cả tỉnh có 323 doanh nghiệp thành lập mới. Mặc dù số lượng thành lập mới đạt 65% kế hoạch, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng tổng số vốn đăng ký là 2.987 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân gần 10 tỷ đồng/một doanh nghiệp mới, tăng 15% so với cùng kỳ. Và ước cả năm 2019 có khoảng 400 doanh nghiệp và 32 HTX đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên khoảng 3.000 doanh nghiệp và 245 hợp tác xã.
Phấn đấu đến 2025, Lạng Sơn có khoảng 300 doanh nghiệp có mức vốn trên 100 tỷ đồng, trong đó có 8 – 10 doanh nghiệp có mức vốn từ 500 – 1.000 tỷ đồng; tỷ lệ vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp trong tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt trên 40%. |
ANH DŨNG
Ý kiến ()