Phát triển đoàn viên doanh nghiệp ngoài Nhà nước: Còn nhiều khó khăn
LSO- Những năm gần đây, mặc dù các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, song việc phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện Chương trình “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 – 2018” của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, LĐLĐ tỉnh đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng như vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; ban hành các kế hoạch, công văn chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) và giao chỉ tiêu cụ thể cho các LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành; định kỳ tổng kết đánh giá, biểu dương, khen thưởng đơn vị thực hiện tốt.
Tuy nhiên, do đặc thù của các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô sản xuất nhỏ, máy móc thiết bị lạc hậu, khả năng tiếp thị, xúc tiến thương mại, gia nhập thị trường còn hạn chế dẫn đến việc sử dụng lao động ít và thiếu ổn định, gây nhiều trở ngại cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước.
Được giao phát triển 4 CĐCS ngoài khu vực Nhà nước nhưng đến nay, LĐLĐ huyện Bình Gia mới chỉ thành lập được 1 đơn vị với 5 đoàn viên. Bà Hoàng Thị Vân Phương, Chủ tịch LĐLĐ huyện chia sẻ: Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, người lao động (NLĐ) chủ yếu là hợp đồng ngắn hạn, thời vụ nên việc tiếp cận chủ doanh nghiệp, tuyên truyền phát triển đoàn viên còn nhiều trở ngại. Đa phần họ đưa ra các lý do như: làm ăn thua lỗ, không bán được sản phẩm, người lao động chỉ làm thời vụ, không có danh sách cụ thể.
Ra mắt công đoàn cơ sở HTX Thành Lộc, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (7/2018)
Là địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp nhưng LĐLĐ huyện Cao Lộc cũng không đạt chỉ tiêu được giao. Ông Hà Văn Huân, Chủ tịch LĐLĐ huyện Cao Lộc cho biết: Toàn huyện có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhưng hầu hết có quy mô nhỏ, số lao động ít. Mặc dù đã tiếp cận, tuyên truyền nhưng nhiều chủ sử dụng lao động chưa có nhận thức đúng đắn về quyền, lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia tổ chức công đoàn, thậm chí một số đơn vị “ngại” vì phải dành thời gian, trích kinh phí đóng đoàn phí.
Không chỉ các huyện: Bình Gia, Cao Lộc, mà trên thực tế có 9/11 LĐLĐ huyện, thành phố không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Thêm vào đó, CĐCS doanh nghiệp chậm đổi mới về nội dung và phương pháp hoạt động; chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ dẫn đến lợi ích giữa đoàn viên và NLĐ chưa gia nhập công đoàn không có nhiều sự khác biệt nên chưa thu hút được đông đảo NLĐ gia nhập công đoàn. Vai trò một số cán bộ CĐCS còn mờ nhạt, phụ thuộc nhiều vào sự điều hành của chủ doanh nghiệp.
Bởi những khó khăn đó nên công tác phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 – 2018 của LĐLĐ tỉnh không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Từ năm 2013 đến nay, các cấp công đoàn trên toàn tỉnh đã thành lập mới được 52 CĐCS ngoài khu vực Nhà nước (đạt 77,8% chỉ tiêu được giao), kết nạp 1.355 đoàn viên.
Bà Bế Thị Hòa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Để phát triển đoàn viên đạt kết quả tốt, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các công đoàn cấp trên trực tiếp xuống cơ sở đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các CĐCS đã có. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ và chủ sử dụng lao động về vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới được 112 công đoàn cơ sở, kết nạp 4.402 đoàn viên, đạt 55% chỉ tiêu được giao. Trong đó có 52 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với 1.355 đoàn viên. |
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()