Phát triển dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật: Lợi cho nhà nông, thuận cho quản lý
LSO-Trong những năm qua, dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật đã không ngừng phát triển trên địa bàn toàn tỉnh.
LSO-Trong những năm qua, dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật đã không ngừng phát triển trên địa bàn toàn tỉnh. Nhà nông là những người hưởng lợi đầu tiên khi dễ dàng tiếp cận được với hệ thống dịch vụ đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, việc mở rộng dịch vụ cũng đã trực tiếp đẩy lùi việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, không có nguồn gốc từ bên kia biên giới, điều này thuận cho công tác quản lý.
Nông dân xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân |
Nhớ lại cách đây 5 năm, vụ mùa năm 2008,chị Nông Thị Kiến, thôn Bản Dùa, xã An Hùng, huyện Văn Lãng đã tốn cả trăm nghìn đồng tiền mua thuốc bảo vệ thực vật mà ruộng lúa nhà chị vẫn xơ xác vì sâu hại. Chị Kiến bức xúc: thấy ruộng lúa nhà mình bị đỏ từng vạt, mang mẫu lúa ra chợ Na Sầm thì được người bán thuốc khuyến cáo là dùng thuốc chữa bệnh vàng lá, nhưng khi mua về thì càng phun, lúa càng đỏ; đến khi có cán bộ chuyên môn đến mới biết ruộng lúa nhà mình bị cháy rầy chứ không phải bị bệnh vàng lá. Đây chỉ là một trong những nạn nhân điển hình khi tiếp cận phải những người kinh doanh không có kiến thức chuyên môn về bảo vệ thực vật. Còn rất nhiều trường hợp, do không có điều kiện ra trung tâm để mua thuốc, phải dùng thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc từ những gánh thuốc rong dẫn tới tình trạng tiền mất, tật mang. Đó là chưa kể đến nguy cơ nhiễm độc từ những gói thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc này.
Theo Trạm bảo vệ thực vật Văn Lãng, thì thời điểm cách đây 5 năm, toàn huyện chỉ có 3 người là có chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và chỉ có đúng 1 người trong số đó là thực hiện việc kinh doanh. Dịch vụ quá ít ỏi buộc nhà nông phải mua thuốc bảo vệ thực vật từ những người buôn bán nhỏ lẻ, không có chuyên môn, dẫu biết rằng rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Không phải riêng ở Văn Lãng, mà thời điểm 5 năm trước đây, trên địa bàn huyện Lộc Bình cũng chỉ có khoảng 5 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Dịch vụ nghèo nàn, xa dân, nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài luồng nhập lậu từ Trung Quốc diễn ra phổ biến. Không chỉ nhà nông chịu thiệt, mà ngay chính những người làm công tác quản lý cũng đau đầu khi liên tục phải căng mình để chống nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật, có thời điểm thu đến hàng tấn mà không có kinh phí để tiêu hủy.
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những hướng đi hợp lý. Một mặt tăng cường công tác quản lý, các địa phương thường xuyên thành lập đội kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tình hình buôn bán thuốc bảo vệ thực vật của các cơ sở kinh doanh. Công tác thanh, kiểm tra không chỉ tạo ra tính răn đe, mà trong quá trình đó, các cán bộ trong đội kiểm tra liên ngành đã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh vi phạm, chưa đủ điều kiện đi tập huấn để được cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách nhằm tạo ra sự chuyển biến từ cả phía người sử dụng lẫn người cung cấp. Mặt khác, song song với công tác quản lý, hiện nay Chi cục Bảo vệ thực vật vẫn tiếp tục mở các khóa đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho các cá nhân muốn kinh doanh loại hình dịch vụ này. Ông Hoàng Văn Bát, Chánh Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: tính từ năm 2012 đến tháng 4/2013, Chi cục Bảo vệ thực vật đã đào tạo và cấp trên 60 chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân có nhu cầu kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nâng tổng số chứng chỉ hành nghề đã cấp lên con số 405. Con số này gần gấp đôi so với 5 năm trước đây.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Lộc Bình cho biết: hiện nay trên địa bàn huyện đã có khoảng 28 cơ sở đủ điều kiện, thường xuyên hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, có nghĩa là gần như đã đáp ứng được mỗi xã có 1 cơ sở kinh doanh. Nhà nông được tiếp cận với dịch vụ đảm bảo chất lượng, ngay lập tức những gánh thuốc rong, những sản phẩm kém chất lượng, độc hại nhập lậu từ bên kia biên giới cũng dần biến mất. Trên phạm vi toàn tỉnh, qua công tác kiểm tra thường xuyên, liên tục, các cơ quan chức năng cũng ghi nhận tình trạng buôn bán thuốc ngoài danh mục, nhập lậu thuốc Trung Quốc đã giảm rất nhiều. Rõ ràng là với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật, không những nhà nông hưởng lợi mà công tác quản lý cũng thuận hơn rất nhiều.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()