Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ: Tiện cho người dân, lợi cho ngân hàng
(LSO) – Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung mở rộng mạng lưới hoạt động, triển khai nhiều giải pháp phát triển dịch vụ bán lẻ. Với loại hình dịch vụ này, gói sản phẩm sử dụng được trao tận tay đến khách hàng. Đây là chiến lược phát triển của nhiều ngân hàng nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro và mang lại hiệu quả kinh doanh.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong những ngân hàng uy tín với 5 năm liên tiếp giành giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam”. Theo đó, BIDV Lạng Sơn luôn chú trọng phát triển các dịch vụ bán lẻ, có mạng lưới 9 phòng giao dịch trực thuộc tại trung tâm thành phố Lạng Sơn và các huyện.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn
Ông Trần Lệnh Hưng, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, BIDV Lạng Sơn cho biết: hiện BIDV đang cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân theo các nhóm chính: tín dụng, huy động vốn, thanh toán, bảo hiểm, bảo lãnh, ngân quỹ với nhiều sản phẩm bán lẻ như: chi trả lương qua tài khoản; gói tín dụng hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi trong hoạt động kinh doanh, mua nhà, mua ô tô, tiêu dùng…
Đến nay, BIDV Lạng Sơn có gần 40.000 khách hàng mở tài khoản ATM; trên 3.300 khách hàng vay với tổng dư nợ trên 3.800 tỷ đồng. Đặc biệt, chi nhánh đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm thấu chi tiêu dùng tín chấp và thế chấp bằng tài sản, số lượng thẻ đã phát hành từ đầu năm 2020 đến nay là 640 thẻ, tăng 5% so với năm 2019.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn), để phát triển dịch vụ bán lẻ, chi nhánh đã triển khai nhiều giải pháp khai thác và cải tiến sản phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển cung ứng dịch vụ thẻ đến mọi đối tượng khách hàng. Đặc biệt, từ năm 2019, chi nhánh triển khai “Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn”, hướng đến khách hàng là nông dân.
Bà Đinh Thị Hồng Giang, Trưởng Phòng Dịch vụ và Marketting, Agribank Lạng Sơn cho biết: Để phát hành thẻ thấu chi đạt hiệu quả, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo và triển khai đề án kịp thời đến tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc, chủ động báo cáo, phối hợp với cấp ủy, chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã để tuyên truyền, quảng bá dịch vụ. Đến nay, qua 1 năm thực hiện, chi nhánh đã phát hành được 7.332 thẻ thấu chi nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 15 ngân hàng thương mại, hầu hết đang ưu tiên phát triển dịch vụ bán lẻ. Các ngân hàng hướng đến nhóm khách hàng cá nhân, gia đình làm “trung tâm” để tiếp cận giới thiệu sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Ngoài hai hoạt động cốt lõi là tiền gửi và tín dụng, các sản phẩm thẻ, chuyển tiền, ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm cũng được các ngân hàng nghiên cứu và đưa ra nhiều chương trình, chính sách và khuyến mại để thu hút khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gia tăng tiện ích cho khách hàng khi giao dịch. Đến nay, toàn tỉnh có 82 máy ATM, tăng 5 máy so với năm 2019; 332 máy POS, tăng 2 máy so với năm 2019.
Anh Nông Trung Phúc, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, tôi được cơ quan trả lương qua tài khoản Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn. Do nhu cầu chi tiêu cao nên tôi được cán bộ ngân hàng hướng dẫn làm thẻ thấu chi vay theo lương với mức vay 25 triệu đồng, lãi suất vay ưu đãi và dùng đến đâu thì tính lãi tới đó nên rất tiện lợi, nhất là trong việc mua sắm, tiêu dùng.
Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Dịch vụ ngân hàng bán lẻ được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung khai thác trong thời gian qua đã mang lại lợi ích cho cả khách hàng và ngân hàng. Với lợi thế riêng, mỗi ngân hàng đều cố gắng đưa ra những tiện ích, chương trình, chính sách phù hợp. Sự cạnh tranh ấy mang lại lợi ích thiết thực, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, không chỉ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh mà còn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()