Phát triển đảng viên vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc: Gỡ khó trong công tác tạo nguồn
Phát triển đảng viên là nhiệm vụ then chốt, góp phần tăng cường sức chiến đấu và bảo đảm tính kế thừa, phát triển của Đảng ta.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc tìm và tạo nguồn phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các tỉnh Tây Bắc đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ tái bản trắng đảng viên vẫn còn. Hóa giải rào cản này, cần có giải pháp vừa đồng bộ, vừa linh hoạt, đặc thù của địa phương.
Đỏ mắt tìm nguồn kết nạp Đảng
Phải đến năm 2019, xã Mường Sai (Sông Mã, Sơn La) mới hoàn thành công tác xóa bản trắng đảng viên, trong đó Co Đứa là một trong 3 bản sau cùng xóa được thực tế trắng đảng viên. Tuy nhiên, Đại úy Vừ Quyền Mua, Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Sai vẫn luôn lo lắng vì tình trạng thiếu nguồn tại chỗ để kết nạp Đảng.
Anh Mua cho hay: “Năm vừa qua, chi bộ bản tạo nguồn được 5 quần chúng, nhưng chỉ kết nạp hai đảng viên vì lý do: Một đồng chí vừa sinh con thứ 3, một đồng chí lấy vợ chưa đủ 16 tuổi, một đồng chí đi làm ăn xa, lúc làm hồ sơ không có mặt ở địa phương. Theo Điều lệ Đảng, hai đồng chí vi phạm là không thể kết nạp được. Mặt khác, tâm lý của một bộ phận người DTTS không muốn vào Đảng vì sợ không sinh được nhiều con”.
Báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La chỉ rõ: Việc phát triển đảng viên còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn kết nạp Đảng. Trong khi đó, một số cấp ủy chưa quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đảng, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc khảo sát, nắm số lượng, chất lượng, danh sách quần chúng ưu tú ở một số cơ sở chưa chặt chẽ nên chất lượng công tác bồi dưỡng, tạo nguồn chưa cao. Bởi vậy, nguy cơ tái bản trắng đảng viên vẫn luôn hiển hiện.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tìm nguồn kết nạp đảng viên ở xã Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên). Ảnh chụp trước tháng 4-2021. |
Làm việc với Huyện ủy Mường Nhé (Điện Biên), chúng tôi được biết: Với 93% đồng bào là người DTTS, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 70%, Mường Nhé vẫn là huyện nghèo, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Xác định xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên là nhiệm vụ then chốt để củng cố hệ thống chính trị, xây dựng đời sống ấm no cho dân bản.
Thực hiện chủ trương cấp trên, hằng năm, các chi bộ cơ sở đều tiến hành tạo nguồn, lựa chọn những cá nhân ưu tú để bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp Đảng. Tuy nhiên, từ sau làn sóng di cư vào địa bàn, đến nay, hơn 60% dân số của huyện là dân di cư tự do dẫn đến việc thẩm tra xác minh lý lịch cho các đối tượng phát triển đảng vô cùng khó khăn.
Đồng chí Pờ Diệu Ninh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé trăn trở: “Sau một nhiệm kỳ, mặc dù huyện đã xóa được bản trắng đảng viên, thành lập mới 75 chi bộ bản, hiện có gần 500 đảng viên là người DTTS. Tuy nhiên, việc duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tránh nguy cơ tái bản trắng đảng viên là việc còn rất nan giải vì khó tìm nguồn kết nạp Đảng và trở ngại khi xác minh lý lịch quần chúng”.
Khảo sát tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, chúng tôi đều ghi nhận tình trạng chung về khó khăn trong công tác tìm và tạo nguồn phát triển đảng viên. Nguyên nhân chính là do: Người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, tình trạng di cư tự do; một bộ phận không có hướng phấn đấu vào Ðảng; một số đối tượng xấu tuyên truyền đạo trái phép đang là lực cản lớn.
Trong khi đó, một số cấp ủy chưa phát huy hết vai trò trong tạo nguồn phát triển đảng viên. Nhiều địa phương còn tình trạng đảng viên xin ra khỏi Đảng. Ví như, theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên, từ năm 2015 đến hết tháng 6-2021, toàn tỉnh có gần 300 trường hợp đảng viên bỏ sinh hoạt, xin ra khỏi Đảng với nhiều lý do, như: Gia đình khó khăn, đi làm ăn xa… Đây là rào cản trong phát triển chi bộ, dẫn đến nguy cơ tái bản trắng đảng viên vẫn luôn hiển hiện.
Các đảng viên và quần chúng ưu tú xã Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) chăm sóc gia súc. |
Tìm hướng đi từ những cách làm sáng tạo
Khó khăn tìm và tạo nguồn kết nạp đảng viên trong đồng bào DTTS, đó là thực trạng chung của các tỉnh vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm linh hoạt, hiệu quả, nhờ đó chất lượng mặt công tác này được nâng lên.
Nậm Pồ là huyện miền núi thuộc tỉnh Điện Biên, có hai tôn giáo chính với hơn 26.300 tín đồ, sinh hoạt tại 102 điểm nhóm đạo và là huyện có số đảng viên theo tôn giáo nhiều nhất trong toàn tỉnh, với 59 đảng viên. Được biết, đa số đảng viên này trước đó đều là những quần chúng ưu tú, có đạo và được tạo điều kiện tham gia giữ các trọng trách tại xã, bản.
Ví như ở xã Vàng Đán, hiện có 9 đảng viên theo tôn giáo thì hầu hết giữ các nhiệm vụ, như: Y tá bản, trưởng thôn, an ninh bản, trưởng hội đoàn thể… Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ, khi được trao trọng trách, các quần chúng ưu tú là người theo đạo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu vào Đảng và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng. Đây là cách làm hiệu quả của huyện Nậm Pồ trong quá trình phát hiện, đào tạo và tạo nguồn kết nạp Đảng.
Hay tại huyện Mường Tè (Lai Châu), để phát triển đảng viên, Đảng bộ huyện đã phân công cấp ủy viên ở các cơ quan ban, ngành, đoàn thể huyện xuống giúp cơ sở bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng và giao chỉ tiêu phát triển đảng viên. Hằng năm lấy kết quả công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên ở cơ sở làm căn cứ xét thi đua và phân loại cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, huyện còn phối hợp với cán bộ các đồn biên phòng đảm nhiệm chức danh Phó bí thư Đảng ủy các xã để phát triển đảng viên. Đồng chí Trịnh Tuấn Anh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Tè, phấn khởi: Mặc dù dân số của huyện gần 47.000 người nhưng hiện nay có hơn 3.500 đảng viên. Đảng bộ huyện Mường Tè thực hiện vượt kế hoạch, số lượng và chất lượng đảng viên được nâng lên.
Với nỗ lực rất lớn, thời gian qua các cấp ủy đảng các tỉnh vùng Tây Bắc luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phát triển đảng viên, nhất là ở những chi bộ có ít đảng viên, thiếu bền vững. Năm 2021, tỉnh Điện Biên đưa ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm kết nạp 2.500 đảng viên; đến năm 2025, hơn 90% trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên.
Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp được đưa ra là: Các cấp ủy đảng cần tập trung củng cố các tổ chức đoàn thể tại các thôn, bản, tổ dân phố; thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước gắn với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, cơ sở, qua đó phát hiện quần chúng, tạo nguồn phát triển đảng viên.
Mặt khác, các tổ chức cơ sở đảng cũng cần phối hợp chặt chẽ với đảng bộ LLVT khảo sát đánh giá, tạo nguồn, bồi dưỡng quân nhân xuất ngũ đã là đảng viên hoặc là đối tượng cảm tình Đảng trở về địa phương.
Liên quan phần việc này, nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay, việc luân chuyển cán bộ, giáo viên, cán bộ biên phòng về sinh hoạt chi bộ bản là cần thiết; tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính số học. Yếu tố căn cơ, quyết định đó là cần đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào DTTS, đây mới thực sự là lực lượng nòng cốt tại cơ sở.
Cùng với đó, các địa phương cần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến vùng đồng bào DTTS, như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất…, thông qua đó, kịp thời phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng.
Ý kiến ()