Phát triển đảng viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo
Trong năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng cường công tác phát triển đảng viên; triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình tạo nguồn, phát triển đảng viên trong trường học.
Giờ học của học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023-2024, trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Chú trọng xây dựng văn hóa học đường; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, bảo đảm an toàn trường học; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong công tác giáo dục cho học sinh, sinh viên.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập đối với môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân, kinh tế – pháp luật, các nội dung về giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và văn hóa trong trường học. Tăng cường chỉ đạo, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các trường tư thục, các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài.
Tổ chức các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tích cực tham gia Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thực hiện công tác phát triển đảng viên trong trường học, bồi dưỡng nhận thức về Đảng trong học sinh, sinh viên; phát hiện và bồi dưỡng học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc thông qua các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động học tập, rèn luyện để tạo nguồn kết nạp đảng. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong trường học.
Theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong học sinh, sinh viên. Tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với học sinh, sinh viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc của các em. Không để học sinh, sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật và các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội…
Nguồn:https://nhandan.vn/phat-trien-dang-vien-trong-cac-co-so-giao-duc-va-dao-tao-post769851.html
Ý kiến ()