Phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở Ða Krông
Đa Krông là một huyện miền núi phía tây nam tỉnh Quảng Trị, nằm trong số 62 huyện nghèo của cả nước. Những năm qua, Huyện ủy Đa Krông chú trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên người dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở để tạo khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng.Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đa Krông Ly Kiều Vân cho biết: Trước năm 2005, nhiều thôn, bản ở Đa Krông chưa có tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Toàn huyện có 30 chi bộ, đảng bộ trực thuộc, với 602 đảng viên và 9/102 thôn, bản chưa có đảng viên; 29 thôn, bản chưa đủ đảng viên để thành lập tổ chức cơ sở đảng; phần lớn đảng viên ở đây đều cao tuổi, trình độ văn hóa thấp, khả năng lãnh đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội có nhiều hạn chế. Ban Thường vụ Huyện ủy Đa Krông xác định, công tác xây dựng tổ chức đảng, kết nạp đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đa Krông Ly Kiều Vân cho biết: Trước năm 2005, nhiều thôn, bản ở Đa Krông chưa có tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Toàn huyện có 30 chi bộ, đảng bộ trực thuộc, với 602 đảng viên và 9/102 thôn, bản chưa có đảng viên; 29 thôn, bản chưa đủ đảng viên để thành lập tổ chức cơ sở đảng; phần lớn đảng viên ở đây đều cao tuổi, trình độ văn hóa thấp, khả năng lãnh đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế – xã hội có nhiều hạn chế. Ban Thường vụ Huyện ủy Đa Krông xác định, công tác xây dựng tổ chức đảng, kết nạp đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có chi bộ và đảng viên là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các chi bộ, đảng bộ trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch và các giải pháp khắc phục tình trạng thôn, bản chưa có chi bộ, đảng viên. Tất cả các xã đều lấy việc kết nạp đảng viên và thành lập mới chi bộ làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm.
Giải pháp đầu tiên là tăng cường cán bộ về các xã, tạo nên sự đồng bộ trong hoạt động của tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng cảm tình đảng ngay tại trung tâm các xã. Nhờ vậy, số lượng đảng viên được kết nạp qua các năm tăng dần, đến nay toàn huyện có 46 chi bộ, đảng bộ, với hơn 1.750 đảng viên. Nhiều xã từ chi bộ cơ sở nâng lên thành đảng bộ cơ sở, tất cả thôn, bản đều có đảng viên, chất lượng đảng viên được nâng lên, tỷ lệ đảng viên nữ, đảng viên trẻ tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước.
Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đa Krông Hồ Văn Dừn cho biết: Trong công tác phát triển đảng, huyện Đa Krông đề ra các tiêu chí nhằm không ngừng trẻ hóa đội ngũ đảng viên, nâng tỷ lệ đảng viên ở các địa phương, cơ quan, trường học và đảng viên người dân tộc thiểu số… Từ đầu năm 2011 đến nay, toàn huyện Đa Krông đã lựa chọn, bồi dưỡng kết nạp 145 đảng viên mới, trong đó đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số 81 đồng chí; đảng viên nữ 51 đồng chí. Đảng viên mới kết nạp chất lượng ngày càng cao, nhất là về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn và năng lực công tác, với 34 đồng chí tốt nghiệp đại học, 35 đồng chí tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được huyện Đa Krông quan tâm nên đã có những chuyển biến tích cực. Nhiệm kỳ qua, toàn huyện có hơn 220 lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Ngoài việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đảm đương nhiệm vụ ở cơ sở, huyện chú trọng đội ngũ học sinh là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT chưa có điều kiện tuyển vào các trường đại học, cao đẳng để cử đi đào tạo tại các trường cao đẳng, trung học của tỉnh, bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Sinh viên là người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng được tuyển chọn vào làm việc tại các cơ quan cấp huyện và xã theo chỉ tiêu biên chế. Số sinh viên không được tuyển hết, huyện hợp đồng trả lương bằng nguồn ngân sách địa phương để bố trí các chức danh công chức dự nguồn ở xã. Đến nay, huyện Đa Krông đã cử 85 học sinh là con em trên địa bàn huyện tham gia các khóa đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp… bổ sung cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, huyện Đa Krông đặt ra mục tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó luôn coi trọng vấn đề trẻ hóa, chuẩn hóa và tăng nhanh số lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số…
Phát triển đảng viên và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, từng bước đưa Đa Krông thoát nghèo nhanh và bền vững, tiến kịp với các huyện, thị xã khác trong tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()