Phát triển Đảng trong thanh niên nông thôn: Khó khăn cần tháo gỡ
(LSO) – Lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) luôn được coi là đội dự bị tin cậy của Đảng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác tạo nguồn để phát triển Đảng trong lực lượng thanh niên trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Qua khảo sát tại một số huyện như: Đình Lập, Bình Gia, Văn Lãng, Hữu Lũng… phần lớn ĐVTN tại các xã trên địa bàn các huyện đều đi làm ăn xa và là tình trạng diễn ra ngày càng phổ biến. Đơn cử, huyện Hữu Lũng có tổng số 5.698 ĐVTN, trừ các ĐVTN là học sinh thì có tới trên 60% ĐVTN không thường xuyên có mặt tại địa phương. Năm 2018, Huyện đoàn Hữu Lũng là một trong hai đơn vị đoàn cấp huyện được Tỉnh đoàn giao chỉ tiêu giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng cao nhất với 250 đoàn viên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, Huyện đoàn Hữu Lũng mới giới thiệu được 87 ĐVTN ưu tú cho Đảng, trong đó chỉ có 22 ĐVTN được kết nạp (chiếm 25%).
ĐVTN xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng làm đường giao thông nông thôn
Chị Triệu Thúy Lan, Bí thư Đoàn xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có tới 70% ĐVTN đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, việc tập hợp, huy động ĐVTN tham gia các phong trào, hoạt động cũng chỉ chủ yếu là các bí thư chi đoàn và đoàn viên học sinh tham gia, khó có thể phát hiện các nhân tố mới ưu tú để giới thiệu cho Đảng.
Không chỉ tại Hữu Lũng mà tại các huyện trên địa bàn tỉnh đều đã và đang tồn tại tình trạng này. Những năm qua, chỉ tiêu nội dung giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng mà Tỉnh đoàn giao cho các cơ sở đoàn đều căn cứ vào tình hình thực tế của cơ sở đó nên các đơn vị vẫn hoàn thành chỉ tiêu, tuy nhiên, số lượng các ĐVTN ưu tú được giới thiệu vào Đảng có xu hướng giảm dần. Năm 2015, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh giới thiệu được 3.211 ĐVTN ưu tú cho Đảng thì đến hết năm 2017, mới giới thiệu được 2.287 ĐVTN ưu tú (giảm 924 người). Còn từ đầu năm 2018 đến nay, con số này là 2.170 ĐVTN (đạt 83% chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Việc tìm nguồn ĐVTN ưu tú tại khu vực nông thôn hiện nay ngày càng gặp nhiều khó khăn, đã và đang thực sự trở thành thách thức đối với các cơ sở đoàn.
Bên cạnh nguyên nhân phần lớn ĐVTN thoát ly khỏi địa phương đi làm ăn, nguyên nhân khác xuất phát từ chính các ĐVTN tại địa phương. Một số ĐVTN còn e ngại, thiếu nhiệt tình khi tham gia các phong trào đoàn, số khác do tập trung phát triển kinh tế nên không mặn mà, hứng thú với tổ chức đoàn cũng như kết nạp đảng, nhận thức chưa đầy đủ về Đảng, thậm chí cho rằng chỉ những thanh niên phấn đấu thăng tiến trong sự nghiệp mới cần vào Đảng… Điều đó khiến cho công tác phát triển đảng trong ĐVTN ở khu vực nông thôn ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Những năm qua, bên cạnh việc duy trì cuộc vận động “ĐVTN phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng lý tưởng phấn đấu cho ĐVTN trong các cuộc sinh hoạt đoàn để nâng cao nhận thức. Qua đó, giúp ĐVTN hiểu, nhận thức đúng về Đảng, hình thành ý chí phấn đấu; tổ chức nhiều phong trào tình nguyện vì cộng đồng nhằm tạo điều kiện, môi trường cho ĐVTN nông thôn rèn luyện, đóng góp công sức như phong trào “Tuổi trẻ Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,…
Chị Nông Thị Vân, Phó Trưởng Ban Tổ chức – Kiểm tra, Tỉnh đoàn cho biết: Ngoài những giải pháp thường xuyên, thực tế hiện nay đòi hỏi các cấp bộ đoàn cần tìm ra giải pháp hữu hiệu hơn nữa để từng bước tháo gỡ khó khăn. Trước hết, cần tập trung “giữ chân” ĐVTN ở lại địa phương từ việc đẩy mạnh phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” để định hướng, giúp đỡ, khuyến khích ĐVTN xây dựng các mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế và hỗ trợ, tư vấn giải quyết việc làm tại địa phương. Cùng với đó, cơ sở đoàn tại nông thôn cần đa dạng, đổi mới các hoạt động đoàn nhằm tạo sức lan tỏa, thu hút lực lượng ĐVTN tự nguyện hăng hái tham gia, qua đó phát hiện, lựa chọn các ĐVTN nổi bật, ưu tú để giới thiệu cho Đảng.
Ý kiến ()