Phát triển đảng trong ngành GD&ĐT: Dấu ấn một nhiệm kỳ
LSO- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát triển đảng viên trong trường học; nâng cao chất lượng đảng viên... được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thực hiện như một dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ 2010-2015.
Tăng số lượng đảng viên
Thời điểm tháng 2/2010, toàn ngành GD&ĐT có 5.939 đảng viên trên tổng số 15.966 cán bộ, giáo viên, nhân viên (tỷ lệ 37,1%), sinh hoạt trong 601 chi bộ, trong đó có 116 chi bộ sinh hoạt ghép và vẫn còn 3 trường chưa có đảng viên. Đến tháng 10/2015, toàn ngành đã có 8.926 đảng viên/ 20.545 cán bộ, giáo viên, nhân viên (đạt tỷ lệ 43,5%), 711 chi bộ, trong đó có 93 chi bộ ghép. Như vậy, trong hơn 5 năm, số đảng viên của ngành GD&ĐT đã tăng 1,5 lần, trong khi số cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ tăng 1,3 lần. Số chi bộ độc lập tăng 1,2 lần và số chi bộ ghép cũng giảm tương ứng (1,23 lần). Đặc biệt, ngành đã “thoát khỏi” tình trạng trường “trắng” đảng viên.
Cán bộ, đảng viên, giáo viên cấp học mầm non Lạng Sơn trong buổi triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phổ cập giáo dục mầm non
Giai đoạn 2010-2015, ngành GD&ĐT đã có sự tăng trưởng toàn diện về quy mô và trên đà chuẩn hóa đội ngũ. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành mà bao trùm là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành đã tạo điều kiện cho các nhà trường đưa công tác giáo dục chính trị tư tưởng lên một bước mới. Số lượng đảng viên tăng là kết quả của việc thực hiện củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng theo tinh thần Chỉ thị số 34/CT-TW, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học” và Chỉ thị 36-CT-TU, ngày 23/7/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường phát triển đảng viên, “xóa” thôn, trường “trắng” đảng viên, giảm thôn, trường ghép chi bộ”.
Nâng cao chất lượng đảng viên
Là những trí thức, mỗi đảng viên ngành GD&ĐT hiểu rằng, họ vào đảng là tự nguyện đứng trong hàng ngũ tiên phong của những chiến sĩ văn hóa, góp phần đào tạo những thế hệ kế cận vừa có tri thức, có phẩm chất đạo đức cách mạng, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là nhà giáo, danh dự nghề nghiệp đã làm nên uy tín tự thân, cộng với tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của người đảng viên đã khiến mỗi nhà giáo – đảng viên luôn phấn đấu để trở thành tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo. Trong 5 năm qua, toàn ngành đã có trên 80.000 lượt giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp, trên 61.570 lượt người đạt danh hiệu lao động tiên tiến, trên 8.400 lượt người đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, trong đó có trên 90% là đảng viên.
Quan tâm, bồi dưỡng, kết nạp lực lượng giáo viên trẻ là biểu hiện niềm tin, sự trao gửi sự nghiệp GD&ĐT của Đảng cho lớp trẻ, vừa có tác dụng động viên, nuôi dưỡng phong trào thi đua, vừa tăng sức trẻ, sức vươn của Chi bộ. Cô Nguyễn Lương Hằng, Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THPT Cao Lộc cho biết: do quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng như công đoàn, đoàn thanh niên, những năm qua, chi bộ nhà trường đã bồi dưỡng và kết nạp được nhiều giáo viên trẻ vào Đảng. Trong 66 đảng viên, tỷ lệ đảng viên trẻ (từ 25-35) đã đạt trên 50%.
Trong giai đoạn 2010-2015, công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nhất là trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, các đảng bộ địa phương rất cần đội ngũ cán bộ đảng viên trí thức. Với vai trò là “cái nôi” tri thức ở địa phương, các nhà trường có nguồn phát triển Đảng dồi dào và có chất lượng. Vì vậy, các đảng bộ xã luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng và kết nạp đội ngũ cán bộ giáo viên vào Đảng, tạo điều kiện cho họ đóng góp vào sự nghiệp đổi mới ở địa phương.
Thành công trong công tác xây dựng và phát triển Đảng trong nhà trường 5 năm qua, ngành GD&ĐT không chỉ đóng góp cho Đảng số lượng lớn đảng viên mà còn góp phần tăng hàm lượng tri thức của các đảng bộ, nhất là đảng bộ nông thôn.
Bài, ảnh: TRẦN KIM
Ý kiến ()