Phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên: Tạo điều kiện cho những “hạt giống đỏ” nảy mầm
LSO - Kết nạp học sinh, sinh viên (HSSV) vào Đảng không chỉ là sự mở rộng vòng tay của Đảng đối với HSSV- những cán bộ và người lao động tiềm năng của đất nước, mà nó còn là một trong những nhân tố thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện.
ĐVTN Trường CĐSP Lạng Sơn hôm nay
Hiện thực ở Trường CĐSP Lạng Sơn
Được đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng lần này, em Nguyễn Thị Tú, lớp trưởng lớp K16B, Trường CĐSP Lạng Sơn rất vui. Vui vì những nỗ lực, cố gắng của mình được Đoàn trường, thầy cô giáo và Đảng bộ nhà trường ghi nhận. Tâm sự với chúng tôi, em cho biết: “Cách đây 3 năm, khi mới nhập trường, ngay từ tuần giáo dục công dân đầu năm học, em đã chú ý lắng nghe nhà trường phổ biến những tiêu chí để được xem xét kết nạp vào Đảng. Trong suốt thời gian học, em cố gắng phấn đấu tu dưỡng trở thành học sinh giỏi, được nhận học bổng; tích cực tham gia và tổ chức lớp tham gia phong trào Đoàn, Hội; nhất là xung kích trong các phong trào tình nguyện. Những tiêu chuẩn để một ĐVTN học sinh được xét kết nạp Đảng đăng trên Website của trường luôn được em cập nhật và tự “soi” lại mình để phấn đấu.”
Không chỉ có em Nguyễn Thị Tú, mà trong năm 2014 này, Trường CĐSP Lạng Sơn đã lựa chọn được 35 HSSV đi dự lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, đưa tổng số HSSV được học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng trong 5 năm qua (2009-2014) lên 144 em. Trong số này đã có 20 người được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay trong tuổi sinh viên. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Vi Văn Hưng, Bí thư Chi bộ Đoàn – HSSV cho biết: sống trong môi trường sinh viên luôn sôi động bằng các phong trào, vào Đảng luôn là nguyện vọng chính đáng và thiết tha của các bạn trẻ HSSV. Tiêu chuẩn xét kết nạp Đảng là như nhau về lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống; tinh thần yêu nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước… nhưng lại có tiêu chí cụ thể đối với cán bộ giáo viên và đối với HSSV. Do có sự phối hợp tốt giữa Phòng công tác HSSV, giáo viên chủ nhiệm lớp, Đoàn trường dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, ban giám hiệu, nên công tác lựa chọn ĐVTN ưu tú để giới thiệu dự lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, thử thách và kết nạp được tiến hành chặt chẽ, công khai, dân chủ. Hiểu được chủ trương, biết rõ các tiêu chí, hiểu được tầm quan trọng khi mình trở thành đảng viên trong nhà trường đối với tương lai và sự nghiệp, mà trước mắt là vị trí việc làm khi ra trường… các em đã xác định hướng phấn đấu tốt, rèn luyện tốt ngay từ năm học đầu tiên.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, trong những năm qua, chỉ có Trường CĐSP Lạng Sơn làm tốt công tác này. Làm việc với lãnh đạo các trường chuyên nghiệp như Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT), Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật (KT-KT), chúng tôi đều không nhận được một kết quả nào về công tác phát triển Đảng đối với đối tượng HSSV. Bác sĩ Lương Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng bộ, Phó hiệu trưởng Trường CĐYT cho biết: nhà trường không có đảng viên là HSSV; có chăng, mỗi năm giới thiệu từ 3-6 em dự lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, còn kết nạp thì… thời gian thử thách chưa đủ! Thế là trong suốt 3 năm phấn đấu (hệ cao đẳng) và 2 năm (hệ trung cấp), nhưng HSSV ưu tú cũng chỉ có tấm giấy chứng nhận học lớp nhận thức về Đảng kèm theo hồ sơ khi ra trường. Cũng như vậy, theo thầy giáo Lưu Thành Lợi, chi ủy viên, nguyên Bí thư Đoàn Trường Trung cấp KT-KT, việc kết nạp Đảng trong nhà trường là rất khó khăn, vì thời gian học tập trong nhà trường chỉ có 2 năm- quá ngắn cho việc thử thách.
Kết nạp Đảng trong học sinh THPT- chưa có “ tiền lệ”!
Đề cập đến vấn đề này, ông Bùi Văn Quang, Trưởng phòng Tổ chức, Sở GD&ĐT cho biết: hầu như chưa có trường hợp học sinh THPT được kết nạp Đảng. Bằng thực tế làm công tác lãnh đạo các trường lớn, trong đó có Trường THPT Chu Văn An, theo ông học sinh chưa đủ tiêu chuẩn giới thiệu đi học lớp nhận thức về Đảng và kết nạp Đảng.
Thầy giáo Phương Ngọc Thuyên, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: ông rất tâm huyết với vấn đề này và 2 năm nay nhà trường đã đề ra những tiêu chí cụ thể, song chưa có trường hợp nào đạt yêu cầu. Khi nghe chúng tôi kể về những trường THPT có học sinh là đảng viên như Trường THPT Phạm Hồng Thái, Phan bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng… ở Nghệ An, các anh nói rằng, có chăng đó chỉ là những trường hợp “cá biệt”, thật xuất sắc.
Hơn các tổ chức Đoàn ở khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Đoàn các nhà trường là “đội hậu bị” mang tầm tri thức cao của Đảng- điều mà Đảng rất cần cho công cuộc công nghiệp hóa- hiện đại hóa. HSSV là nguồn dồi dào và có chất lượng của Đảng. Quan tâm phát triển Đảng trong HSSV không chỉ là một trong những nhiệm vụ của tổ chức Đoàn, mà còn đòi hỏi sự quan tâm của cấp ủy nhà trường. Mạnh dạn kết nạp HSSV vào Đảng, không những thể hiện sự ghi nhận của Đảng đối với sự phấn đấu của HSSV, mà tổ chức Đảng cũng được bổ sung người trẻ, được tiếp thêm sức trẻ.
Bài, ảnh: Minh Hồng
Ý kiến ()