Phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Những vấn đề đặt ra
Tỷ lệ đảng viên còn thấp
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.770 DNNQD, nhưng chỉ có 39 tổ chức cơ sở đảng (chiếm tỷ lệ 2,20%), với 547 đảng viên (chiếm gần 1% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh). Tỷ lệ này cho thấy, việc phát triển đảng trong các DNNQD trên địa bàn tỉnh còn rất thấp. Trong khi đó lực lượng lao động trong doanh nghiệp là rất đông (gần 30.000 lao động). Nhiệm kỳ qua, việc thực hiện chỉ tiêu phát triển đảng viên chung của toàn tỉnh đạt và vượt (2.000 đảng viên trở lên/năm), nhưng chỉ tiêu cụ thể ở doanh nghiệp thì không thực hiện được.
Con số trên tuy còn hạn chế nhưng đã thể hiện sự nỗ lực không ngừng của các cấp ủy đảng trong việc tiếp cận DNNQD để phát triển đảng. Ông Vũ Mạnh Lợi, Trưởng phòng Tổ chức đảng- đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới và các Quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thành phố (nơi có nhiều DNNQD) thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đảng và các đoàn thể chính trị- xã hội trong các DNNQD. Hằng năm, Ban chỉ đạo tổ chức gặp mặt, động viên, biểu dương các doanh nghiệp làm tốt công tác xây dựng đảng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Đồng thời tích cực tuyên truyền, nhất là đối với doanh nghiệp mới thành lập để tìm hiểu vai trò, lợi ích của việc kết nạp đảng viên và thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong các DNNQD…
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Bảo Long (Cao Lộc)
Thiếu mặn mà của “người trong cuộc”
Ở Lạng Sơn, doanh nghiệp nhỏ chiếm phần lớn (có 6 doanh nghiệp lớn, 35 doanh nghiệp vừa, còn lại là doanh nghiệp nhỏ – doanh nghiệp của gia đình). Trong cơ chế thị trường hiện nay, do áp lực làm kinh tế nên các chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh là chính, việc phát triển đảng chưa thực sự quan tâm sát sao. Bà Nguyễn Thị Mai Oanh, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cao Lộc phân tích: Do kinh tế khó khăn, một số chủ doanh nghiệp phải bươn chải để ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống của người lao động nên chưa thật sự quan tâm đến việc phát triển đảng viên, đoàn viên và tổ chức đảng, đoàn thể. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa là đảng viên nên việc thành lập tổ chức đảng, kết nạp đảng viên rất khó. Điều nữa là họ chưa thấy được những tác động tích cực, mặt nổi trội của doanh nghiệp có tổ chức đảng với doanh nghiệp chưa xây dựng được tổ chức đảng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với công nhân, những người làm việc trong các DNNQD, công tác này gặp phải nhiều trở ngại khác nhau mà cơ bản nhất chính là vấn đề nhận thức của người lao động. Thực tế hiện nay, đời sống kinh tế của một bộ phận công nhân còn thấp, họ quan tâm chủ yếu là việc làm, thu nhập để cải thiện cuộc sống. Mặt khác, một bộ phận công nhân không đạt tiêu chuẩn về trình độ văn hóa theo quy định nên khó tạo nguồn phát triển đảng. Nhiều công nhân chưa xác định rõ mục đích vào đảng nên tâm lý ngại học tập chính trị, ngại vào đảng phải học tập, hội họp nhiều, phải đóng đảng phí…vì thế khi đã được bồi dưỡng, giới thiệu lại “chần chừ” chưa muốn kết nạp đảng.
Cần những giải pháp đồng bộ
Công tác phát triển đảng trong các DNNQD trên địa bàn tỉnh là vấn đề khó khăn, nan giải, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị. Được biết, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển đảng tại các DNNQD, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, các đoàn thể, người lao động về sự cần thiết phải củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể. Thường xuyên rà soát, nắm chắc thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, số lượng công nhân để có biện pháp chỉ đạo kịp thời kết hợp với quan tâm vận động thành lập các tổ chức đoàn thể…
Thiết nghĩ, một vấn đề nữa là mỗi cấp uỷ, chi bộ thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh để chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên. Ngoài nỗ lực vận động, thuyết phục của các cấp ủy đảng, Trung ương cần có quy định cụ thể khi thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm thành lập tổ chức đảng…
Ý kiến ()