tle=”Phát triển đảng ở nông thôn, miền núi”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Sinh hoạt chi bộ thôn Thanh Miếu, xã Vũ Chính (TP Thái Bình). Ảnh: THÀNH TÂM
Công tác phát triển đảng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của tổ chức đảng và đảng viên các cấp, nhằm sớm phát hiện, bồi dưỡng, bổ sung kịp thời vào hàng ngũ của Đảng những quần chúng ưu tú. Việc phát triển đảng còn có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác phát triển đảng ở khu vực nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn, cần được các cấp ủy đảng quan tâm và có giải pháp hiệu quả.
Kỳ I
Khó khăn trong tạo nguồn phát triển đảng
Qua khảo sát ở các địa phương cho thấy, số lượng đảng viên mới được kết nạp ở khu vực nông thôn, miền núi hằng năm có xu hướng giảm, có chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên, tuổi bình quân của đảng viên cao… Thực trạng này ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là vai trò của tổ chức đảng, đảng viên trước những vấn đề nổi cộm, bức xúc cũng như việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở.
Chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên
Khi đề cập vấn đề kết nạp đảng viên, đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Trại, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) Nguyễn Tiến Dị cho biết: “Tôi làm bí thư chi bộ từ năm 2004. Trong hai năm đầu, chi bộ kết nạp được hai đảng viên, nhưng từ năm 2006 đến nay, chi bộ không phát triển thêm được đảng viên. Năm nào chi bộ cũng đề cập vấn đề phát triển đảng nhưng lực bất tòng tâm, vì không có nguồn phát triển!”. Đối với Chi bộ 5, thôn Phù Nội, xã Hùng Sơn (Thanh Miện, Hải Dương), suốt 12 năm (từ năm 1999 đến tháng 5-2011), không kết nạp được đảng viên mới.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Phạm Quang Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hùng Sơn, cho biết thêm: “Vấn đề khó khăn trong phát triển đảng ở Chi bộ 5, thôn Phù Nội là thực trạng chung của không ít chi bộ nông thôn ở Hùng Sơn. Mặc dù Đảng ủy xã đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở các chi bộ nông thôn quan tâm, xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng, nhưng các chi bộ không tìm đâu ra nguồn để bồi dưỡng. Khó khăn trong phát triển đảng ở Chi bộ 5, thôn Phù Nội cũng là thực trạng chung của không ít chi bộ nông thôn hiện nay”.
Là xã vùng cao, biên giới của huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), công tác phát triển đảng ở xã Tri Lễ những năm qua còn nhiều khó khăn. Tình trạng đảng viên là người dân tộc thiểu số chưa tha thiết vào Đảng xảy ra nhiều năm trước đây, nhiều thôn, bản chưa có chi bộ và chưa có đảng viên. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tri Lễ Đàm Thiên Hương cho rằng: “Thực trạng này, ảnh hưởng xấu đến công tác nắm bắt tư tưởng cũng như các vấn đề nhạy cảm, phức tạp ở địa phương. Vì vậy, việc quan tâm phát triển đảng và tổ chức cơ sở đảng là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ xã”.
Theo đồng chí Đinh Xuân Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, công tác phát triển đảng ở nông thôn, miền núi gặp rất nhiều khó khăn. 10 năm qua, dân số của tỉnh không tăng, do lực lượng thanh niên đi làm ăn xa, nhiều chi bộ không kết nạp được đảng viên, xuất hiện tình trạng chi bộ gia đình, chi bộ dòng họ. Khó khăn trong phát triển đảng là băn khoăn, lo lắng lớn ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay.
Tình trạng chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép ở tỉnh Lào Cai còn nhiều. Số lượng đảng viên được kết nạp ở khu vực miền núi ngày càng giảm. Tính đến ngày 30-3-2012, toàn tỉnh còn 860 thôn, bản có chi bộ sinh hoạt ghép, có nơi ghép đến 3-4 thôn. Nhiều thôn, bản hơn năm năm qua không kết nạp được đảng viên mới như các huyện: Bảo Thắng có 63 thôn, Bảo Yên (58 thôn), Bắc Hà (22 thôn), Văn Bàn (27 thôn), huyện Si Ma Cai (14 thôn)… Qua khảo sát mới đây của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho thấy, một số thôn, bản khả năng sắp tới không có đảng viên rất cao, do số lượng đảng viên ít, tuổi cao. Toàn tỉnh hiện có 521 thôn, bản, tổ dân phố có từ một đến hai đảng viên, trong đó có 165 thôn, bản chỉ có một đảng viên. Các huyện như Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn… có nhiều cán bộ thôn, bản không phải là đảng viên, đã làm giảm vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở.
Thực trạng “già hóa” đảng viên
Hằng năm, Đảng ủy xã Tân Phong, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đều xây dựng kế hoạch phát triển đảng cụ thể và giao trách nhiệm cho các chi bộ, tổ chức đoàn thể rà soát nguồn đảng viên nhằm tập trung bồi dưỡng, kết nạp đảng. Tuy nhiên số đảng viên mới kết nạp hằng năm của xã hạn chế. Số đảng viên được kết nạp chủ yếu ở khối cán bộ đoàn thanh niên, giáo viên và thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nếu so chỉ tiêu được giao thì xã không đạt. Không chỉ riêng xã Tân Phong (Vũ Thư), hiện nay rất nhiều đảng bộ xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình chung tình cảnh này. Trao đổi ý kiến về vấn đề này, đồng chí Trần Thế Nghiêm, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Bình quân mỗi năm, Đảng bộ tỉnh kết nạp hơn hai nghìn đảng viên. Sáu tháng đầu năm 2012, Thái Bình kết nạp được 1.231 đảng viên mới, nhưng có xu hướng giảm so các năm trước đây. Cơ cấu đảng viên thay đổi, tuổi đời bình quân ở mức cao (50-54 tuổi). Ở các Đảng bộ xã, phường, đảng viên là cán bộ hưu trí chiếm từ 45 đến 75%, thậm chí nhiều chi bộ 100% đảng viên là cán bộ hưu trí.
Có tỉnh lộ 151 chạy qua và mỏ sắt lớn trên địa bàn, thuận lợi về giao thông và phát triển kinh tế, nhưng công tác phát triển đảng ở xã Sơn Thủy (Văn Bàn, Lào Cai) lại ì ạch, hiệu quả thấp. Trong năm năm liền (từ 2007 đến nay), có tới sáu thôn, bản không kết nạp được đảng viên mới. Điển hình như chi bộ Khuổi Nghè, hơn năm năm qua, số lượng đảng viên chỉ có tám đồng chí, đa số tuổi đã cao, già yếu. Đến đầu năm 2012, hai đảng viên già yếu đã qua đời, chi bộ chỉ còn lại sáu đảng viên.
Tình trạng “già hóa” đảng viên tồn tại ở nhiều chi bộ đảng vùng nông thôn, miền núi huyện Quế Phong (Nghệ An). Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quế Sơn (Quế Phong) Trần Văn Đức cho biết: “Ở chi bộ xóm 1, tuổi bình quân của đảng viên là 63, chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu. Cả chi bộ chung nhau ba cái kính để phục vụ các đảng viên cao tuổi ghi chép, nghiên cứu tài liệu”.
Chi bộ thôn Ngọc Trại, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) hiện có năm đảng viên, trong đó có một đảng viên đi làm ăn xa, một đảng viên già yếu được miễn sinh hoạt. Như vậy, chi bộ thực chất chỉ còn ba đảng viên, trong đó có hai đảng viên ở tuổi 58 và 61. Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Trại cho biết thêm, trước đây, có thời điểm chi bộ có 12 đảng viên nhưng do một số đảng viên già yếu đã mất, một số chuyển đi nơi khác. Hiện nay, người đứng đầu các đoàn thể của thôn và cả trưởng thôn đều không phải là đảng viên. Vì vậy, việc triển khai các nghị quyết của chi bộ, đảng bộ nhiều khi rất khó.
Theo đồng chí Nguyễn Quang Dung, Vụ trưởng đảng viên (Ban Tổ chức T.Ư), tình trạng chi bộ ở nông thôn, miền núi trong nhiều năm không kết nạp được đảng viên và “già hóa” đảng viên diễn ra ở nhiều vùng nông thôn, miền núi trên cả nước. Về mặt tổng thể, số lượng đảng viên được kết nạp ở các xã trên cả nước có tăng: năm 2010 kết nạp được 1.655.956 đảng viên; năm 2011 kết nạp được 1.713.346 đảng viên, nhưng chủ yếu là ở các chi bộ khối cơ quan xã, quân sự, giáo dục; số lượng đảng viên mới được kết nạp hằng năm ở các chi bộ dân cư nông thôn, miền núi có xu hướng giảm; riêng năm 2010, số lượng đảng viên mới được kết nạp của cả nước giảm 10.000 đảng viên so năm trước, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi. Đây là thực trạng đáng báo động, rất cần được các cấp ủy đảng quan tâm, có giải pháp khắc phục kịp thời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()