Phát triển đặc khu kinh tế: Kinh nghiệm và cơ hội
Ngày 20-3, tại TP Hạ Long, Ban chỉ đạo tổ chức hội thảo quốc tế tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc, Trường Đại học Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về phát triển Đặc khu kinh tế - kinh nghiệm và cơ hội.
Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; gần 400 đại biểu đại diện các Bộ, ban ngành của Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia nhà quản lý, các diễn giả có kinh nghiệm và uy tín.
Đây cũng là hội thảo khoa học quốc tế thuộc Diễn đàn phát triển đặc khu kinh tế thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh, Việt Nam
Hội thảo tập trung trao đổi và thảo luận về kinh nghiệm của quốc tế đối với phát triển các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do, trong đó trọng tâm về: Thể chế, cơ chế chính sách (đất đai, tài chính, ngân hàng, thuế, nhân lực…); nền hành chính (tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính…); Lợi ích và những khó khăn, thách thức; Chiến lược phát triển ngành nghề; thu hút nguồn lực đầu tư; Giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; Phát triển kinh tế xanh hướng tới bền vững và xu hướng phát triển ngành kinh tế dịch vụ khi triển khai xây dựng đặc khu kinh tế. Từ những kinh nghiệm áp dụng vào tình hình thực tế để phát triển đặc khu kinh tế tại Việt Nam và đặc khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, thông qua Hội thảo nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới, qua đó đề xuất được các chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển mô hình đặc khu kinh tế tại Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Theo Giáo sư – Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Để xây dựng thành công các đặc khu kinh tế trong thời gian tới ở Việt Nam cần sớm xây dựng, thông qua Luật về đặc khu kinh tế (hoặc Luật về đặc khu hành chính – kinh tế) đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII; Xây dựng, ban hành các thể chế hành chính và kinh tế của các đặc khu kinh tế cần phải hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu khác đã hình thành trên thế giới; Trong các thể chế, những cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài nước ngoài phải được xem trọng nhất.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sáng kiến, những nỗ lực chuẩn bị của tỉnh Quảng Ninh, và ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc, trường đại học Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với tỉnh Quảng Ninh trong tổ chức hội thảo này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Đây sẽ là diễn đàn quan trọng để các đại biểu trao đổi thảo luận và chia sẻ những bài học kinh nghiệm quốc tế quý giá về xây dựng đặc khu kinh tế trên thế giới có thể áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đối mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh bền vững, trong đó chỉ đạo xây dựng ba đặc khu kinh tế tại ba địa phương có tiềm năng là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) nhằm tạo điều kiện phát triển cho từng vùng và cả nước.
Phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, đối với Việt Nam, đây là mô hình mới, trong quá trình triển khai không tránh khỏi những khó khăn, do đó những bài học kinh nghiệm, những ý kiến tư vấn của chuyên gia sẽ góp phần để Quảng Ninh và các địa phương ở Việt Nam có thể xây dựng thành công đặc khu kinh tế.
Trước đó đã diễn ra hai cuộc tọa đàm giữa lãnh đạo bốn tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng về việc xây dựng đặc khu kinh tế và tọa đàm “Thảo luận công tác hoàn thiện đề án xây dựng đặc khu kinh tế” giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Câu lạc bộ Tiến sĩ trẻ khối cơ quan Trung ương, Hội Nữ trí thức Việt Nam, Hội Trí thức Khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam, Liên hiệp Trí tuệ trẻ Việt Nam.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()