Phát triển đa dạng thị trường khách du lịch
Năm 2024, ngành Du lịch phấn đấu đạt 17 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 3 triệu lượt; tổng thu du lịch đạt 39.100 tỷ đồng. Ngành Du lịch đã xây dựng các phương án phát triển thị trường khách du lịch, tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch thế mạnh, phù hợp với thị hiếu của đa dạng dòng khách.
Ngành Du lịch đặt mục tiêu cơ cấu lại thị trường du lịch đảm bảo tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường; đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, đảm bảo tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bố cân đối các vùng miền.
Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đa dạng các thị trường khách, luôn chủ động tìm kiếm, xây dựng và phát triển thị trường khách tiềm năng. Đối với thị trường nội địa, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các địa phương trong nước có khả năng kết nối với Sân bay Vân Đồn, như: TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, tỉnh Điện Biên, tỉnh Bình Định…
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh xác định thị trường TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung là một trong những địa bàn trọng điểm để thu hút khách. Cụ thể, tổ chức các đoàn xúc tiến du lịch, mở rộng liên kết giữa hai địa phương và các địa phương lân cận, xây dựng và chào bán các sản phẩm du lịch; chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Đồng thời, tạo dựng cơ hội cho doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết, hợp tác phát triển…
Cùng với việc xác định và đẩy nhanh việc mở rộng thị trường khách nội địa, ngành Du lịch cũng chú trọng đến nhu cầu của các nhóm đối tượng khách để xây dựng chiến lược và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp. Hiện, khách đã thay đổi nhu cầu, mang tính chuyên biệt cao hơn, như: Tìm hiểu văn hóa, chơi golf, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên… Vì vậy, chiến lược phát triển du lịch của Quảng Ninh cũng tập trung vào những biến động của thị trường và nhu cầu của khách để chủ động, thay đổi phù hợp với thị trường.
Theo ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Hongai Tours Quảng Ninh, việc thích ứng và xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên nhu cầu của nhiều dòng khách đã được tỉnh thực hiện rất tốt trong những năm qua, nhất là sau đại dịch Covid-19. Không chỉ chính quyền mà các doanh nghiệp đã có sự chuyển mình trong cả tư duy và hành động để đầu tư một cách kỹ lưỡng, bài bản hơn như phát triển kinh tế ban đêm, phát triển du lịch biển, du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới… Nhiều sản phẩm được du khách đón nhận và dần khẳng định thương hiệu riêng của du lịch Quảng Ninh như tàu nhà hàng tham quan Vịnh Hạ Long, nghe nhạc trên Vịnh, du lịch golf, nghỉ dưỡng chất lượng cao, tắm khoáng nóng…
Cùng với việc phát triển thị trường nội địa, ngành Du lịch xác định phát triển các thị trường khách quốc tế, trọng tâm là khu vực Đông Bắc Á, tiếp đến là khu vực ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ. Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch, chiến lược marketing du lịch và các chính sách hỗ trợ xúc tiến du lịch; đầu tư xứng đáng cho hoạt động marketing điện tử; tăng cường các hoạt động marketing truyền thống. Đồng thời, triển khai các chiến dịch, sự kiện, các chương trình xúc tiến du lịch. Đặc biệt, liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh tham gia các hội chợ du lịch để mở rộng thị trường, như: Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024; Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh; Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh – ITE HCMC; Tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM Đà Nẵng hoặc Cần Thơ; Hội chợ thương mại du lịch quốc tế Việt Trung…
Đối với một số thị trường tiềm năng như ASEAN và Đông Á, tỉnh chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, nhất là các tỉnh trong khối liên minh du lịch Đông Bắc Á để xây dựng “đường bay di sản” giữa 3 địa phương: Vịnh Hạ Long (Việt Nam), Luang Prabang (Lào) và Angkor Wat (Campuchia), tạo điều kiện tối đa cho việc xuất nhập cảnh của khách du lịch. Ngành Du lịch cũng hướng đến đẩy mạnh liên kết, hợp tác với tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc như: Thượng Hải, Quảng Đông, Trùng Khánh, Bắc Kinh, Thiên Tân. Tính riêng 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch (30/12/2023-1/1/2024), đã có khoảng 18.000 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, chủ yếu ở các địa phương giáp biên giới như Quảng Tây, Tứ Xuyên.
Theo các chuyên gia, bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận và kết nối hàng không qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh có thể nâng cao nhận thức về thương hiệu thông qua việc mở rộng mạng đường bay quốc tế. Từ đó, tạo điều kiện phát triển sản phẩm du lịch kết hợp tài nguyên du lịch địa phương để tạo những bước nhảy vọt mới. Ngoài ra, việc quản lý thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị minh bạch là vấn đề toàn cầu, là yếu tố then chốt để chiến lược phát triển du lịch thành công. Thông qua các chính sách du lịch thân thiện và có trách nhiệm với môi trường, Quảng Ninh trở thành điểm đến bền vững đẳng cấp quốc tế. Hơn nữa, các dịch vụ du lịch thông minh được hỗ trợ bởi số hóa sẽ thu hút nhiều những du khách lẻ, du khách du lịch tự túc đến Việt Nam.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-trien-da-dang-thi-truong-khach-du-lich-3278597.html
Theo baoquangninh.vn
Ý kiến ()