Bà Hứa Phong Lan, phó phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho biết: Để đảm bảo ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển về lâu về dài, không ngừng tăng giá trị sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huyện đang thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích, đồng thời tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và tình hình khai thác thực tế, huyện đã có định hướng phát triển từ nay đến năm 2015.
LSO-Huyện Văn Quan hiện nay có nhiều cơ sở sản xuất đá, gạch bê tông, khai thác cát, quặng, chế biến gỗ… đang hoạt động có hiệu quả. Trong những năm qua, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đó đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của toàn huyện.
Vì vậy, huyện đã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, đồng thời tăng cường quản lý và định hướng trên cơ sở tiềm năng và tình hình khai thác để công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
|
Nghiền đá – một công đoạn trong sản xuất gạch bê tông ở thị trấn Văn Quan |
Hiện nay, trên địa bàn huyện gồm có 118 cơ sở khai thác, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó khai thác đá, cát và sản xuất gạch chỉ, gạch bê tông có 48 cơ sở; chế biến nông, lâm sản như xay xát, làm cao khô, bún, giường, tủ, bàn ghế… 70 cơ sở. Được huyện tạo điều kiện về cơ chế chính sách quản lý cũng như việc vay vốn, người dân đã tập trung khai thác từ các nguồn nguyên liệu sẵn có và tận dụng những thuận lợi về đường giao thông, thị trường… để phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình. Điển hình như xã Song Giang tập trung khai thác cát; thị trấn Văn Quan, xã Tân Đoàn, Tràng Phái, Chu Túc sản xuất gạch bê tông; Yên Phúc làm cao khô…
Trong những năm qua, có nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư trang thiết bị, máy móc khai thác, thay thế lao động thủ công, quy mô ngày càng mở rộng hơn, năng suất cao hơn và giá trị sản xuất không ngừng tăng. Trong 10 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 14.177 triệu đồng, bằng 102,2% so với cùng kì. Các cơ sở sản xuất đã không chỉ tăng nguồn thu nhập cho gia đình chủ cơ sở, đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, các cơ sở đó còn nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình nên việc đầu tư cơ sở, máy móc còn hạn chế, nhân công còn làm việc mang tính mùa vụ, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất chưa có giấy phép đăng kí kinh doanh, chưa có quy hoạch cụ thể nên khâu quản lý còn khó khăn. Mặt khác, tình hình khai thác nông, lâm sản trên địa bàn chưa xứng với tiềm năng; khai thác đá, quặng chưa có sự quản lý chặt chẽ về môi trường. Xác định những khó khăn đó, bên cạnh áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển, huyện đã đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch và định hướng.
Bà Hứa Phong Lan, phó phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho biết: Để đảm bảo ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển về lâu về dài, không ngừng tăng giá trị sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huyện đang thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích, đồng thời tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và tình hình khai thác thực tế, huyện đã có định hướng phát triển từ nay đến năm 2015.
Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển sản xuất vật liệu xây dựng như đá, gạch, đẩy mạnh phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản như chế biến gỗ, dầu hồi, làm cao khô, bún… và phát triển dịch vụ sửa chữa cơ khí vừa và nhỏ. Đặc biệt là phát triển các cơ sở sản xuất phải gắn chặt với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trước và sau khai thác. Từ đó, tăng khối lượng và đa dạng sản phẩm, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phục vụ nhu cầu trên địa bàn và hướng ra thị trường ngoài, phấn đấu đạt giá trị gia tăng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương bình quân tăng 19%/năm.
Lâm Như
Ý kiến ()