Phát triển công nghiệp quốc phòng bằng các giải pháp đồng bộ
Những năm qua, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam.
Với sự chủ động, nỗ lực không ngừng của Bộ Quốc phòng (BQP) và sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành, địa phương, công tác bảo đảm trang bị cho quân đội của ngành CNQP ngày càng tốt hơn, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nội dung này đã được khẳng định tại Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP do BQP tổ chức vừa qua…
Bảo đảm ngày càng tốt hơn vũ khí, trang bị kỹ thuật
Có thể nói, sự ra đời của Pháp lệnh CNQP và nỗ lực của BQP trong phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về xây dựng và phát triển CNQP. Từ đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao, các ban, bộ, ngành, địa phương đã phối hợp, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển CNQP, như: Đề xuất, ưu tiên nguồn lực đầu tư, các chính sách về thuế, thủ tục hành chính; cấp đất, giúp đỡ để các cơ sở CNQP tham gia những hoạt động sản xuất kinh tế tại địa phương; phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự cho các cơ sở CNQP, giải quyết nhiều sự cố, vướng mắc trên địa bàn, tạo môi trường ổn định cho sản xuất; quan tâm xây dựng để các cơ sở CNQP tham gia những dự án, chương trình của bộ, ngành, địa phương mình…
Kỹ sư Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao (Viettel) vận hành Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay cho không quân (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: HỒNG PHÚC. |
Trên cơ sở nghiên cứu, bám sát những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định theo các chiến lược, đề án, BQP đã tiến hành có hiệu quả công tác lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về xây dựng và phát triển CNQP, qua đó từng bước tăng cường tiềm lực CNQP theo hướng tập trung, có chọn lọc, đáp ứng yêu cầu bảo đảm vũ khí trang bị (VKTB) phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Bên cạnh đó, các cơ sở CNQP nòng cốt cũng được quan tâm đầu tư, phát triển.
Trung tướng Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, nhấn mạnh: “Trong những năm qua, BQP đã quan tâm nâng cao năng lực của các cơ sở CNQP nòng cốt, từ đó tạo bước phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, CNQP đã sản xuất được nhiều loại vũ khí, khí tài, đạn dược; làm chủ công nghệ chế tạo các loại VKTB hiện đại; có đủ khả năng sửa chữa vừa các loại VKTBKT được trang bị trước những năm 2000 và đã sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được một số loại vũ khí, khí tài có trong trang bị quân đội”.
Cùng với đầu tư công nghệ, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CNQP cũng được chú trọng đúng mức. Theo thống kê của Tổng cục CNQP, đến nay, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật, sản xuất VKTBKT và hỗ trợ sản xuất CNQP trong toàn quân có trình độ đại học trở lên chiếm 74,41%, trong đó, sau đại học là 13,27%. Đề cập đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho CNQP, Trung tướng, GS, TSKH Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, học viện đã triển khai đồng bộ các cấp đào tạo, gồm đại học, cao học và nghiên cứu sinh phục vụ nguồn nhân lực cho CNQP. Hầu hết cán bộ trẻ khi ra trường đều phát huy và vận dụng tốt các kiến thức được đào tạo trong nhà trường vào thực tế nghiên cứu, sản xuất. Học viện luôn tích cực xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên cử các đoàn công tác nắm bắt nhu cầu thực tiễn để điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo sát với yêu cầu của các nhà máy, đơn vị bảo đảm kỹ thuật”.
Kỹ sư của Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao (Viettel) tiến hành đo kiểm chỉ tiêu các bảng mạch trong khí tài (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: HOÀNG HÀ |
Trong những năm qua, các đơn vị CNQP đã tận dụng tối đa công năng dôi dư, trình độ công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất quốc phòng, kết hợp với đầu tư mới để sản xuất các sản phẩm kinh tế, tạo nguồn lực tài chính tái đầu tư cho sản xuất quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Làm rõ việc thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng tại Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel), Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cho biết: “Thành công trong lĩnh vực viễn thông, Viettel trở thành doanh nghiệp viễn thông lớn nhất tại Việt Nam và đầu tư tại 10 nước trên thế giới. Với những nguồn lực đó, Viettel quyết định chuyển từ một nhà cung cấp dịch vụ đơn thuần sang đồng thời tham gia lĩnh vực nghiên cứu phát triển, với ưu tiên số 1 là nghiên cứu sản xuất VKTB công nghệ cao, đạt chuẩn quốc tế để góp phần hiện đại hóa quân đội. Thực tế sử dụng đã cho thấy, các sản phẩm của Viettel có tính năng tương đương sản phẩm công nghệ cao hiện đại trên thế giới, đi thẳng vào công nghệ mới nhất, đạt trình độ sản xuất theo chuẩn quốc tế, góp phần tăng cường khả năng tự chủ, tiết kiệm ngân sách nhà nước cho hiện đại hóa quân đội”.
Có thể thấy, Pháp lệnh CNQP đã tạo cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng, hoạch định chính sách phát triển CNQP; tạo được hệ thống tổ chức đồng bộ, chặt chẽ từ quản lý nhà nước đến cơ sở sản xuất, là cơ sở cho quá trình xây dựng nền CNQP hội nhập nền công nghiệp quốc gia và hội nhập với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Pháp lệnh cũng đã bảo đảm cho CNQP phát triển đáp ứng yêu cầu sản xuất VKTB cho các LLVT, đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cần luật hóa các quan điểm, chủ trương về CNQP
Để tiếp tục thúc đẩy CNQP phát triển đúng hướng, đạt kết quả tích cực hơn nữa, Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân đề xuất: “Cùng với chăm lo xây dựng và phát triển các cơ sở CNQP với cơ cấu hợp lý trong nền công nghiệp của đất nước, cần tăng cường, ưu tiên công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ chuyên gia đầu ngành, thợ lành nghề, bậc cao, chú trọng các chuyên ngành hiếm, khó”.
Công nhân Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) tham gia quy trình sản xuất đạn. Ảnh: VĂN SƠN. |
Một giải pháp quan trọng được đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đó là: “Trong thời gian tới, cần tiếp tục khuyến khích sự tham gia của công nghiệp dân sinh vào lĩnh vực CNQP, bởi tiềm năng tham gia CNQP của công nghiệp dân sinh là khá lớn. CNQP cũng cần từng bước chuyển giao công nghệ cho công nghiệp dân dụng, tạo nền tảng, động lực để phát triển công nghiệp quốc gia; phấn đấu thực hiện mục tiêu quốc gia khởi nghiệp từ phát triển CNQP như một số nước phát triển trên thế giới”.
Ngoài những giải pháp nêu trên, theo một số chuyên gia, cần có cơ chế, chính sách cụ thể đối với các cơ sở công nghiệp động viên; chú trọng đầu tư hỗ trợ ngân sách cho các doanh nghiệp đã được phê duyệt đủ điều kiện động viên công nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện giữ vững và mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ động viên công nghiệp khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, CNQP cần tập trung nghiên cứu chế tạo nguyên vật liệu, công nghệ nền; sản xuất, sửa chữa VKTBKT hiện đại.
Cùng với khẳng định và làm rõ những kết quả đạt được qua 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gợi mở những định hướng, giải pháp lớn, nhằm xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đó là cần tiếp tục kiện toàn tổ chức lực lượng bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, phân bố phù hợp trên các vùng, miền; đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu các loại VKTBKT hiện đại; tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực CNQP chất lượng cao…
Nhấn mạnh phải tiếp tục xây dựng, phát triển CNQP, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, cần phải luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về CNQP. Theo đó, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao Tổng cục CNQP phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị Quốc hội ban hành Luật CNQP thay thế Pháp lệnh CNQP, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, phù hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()