Phát triển công nghiệp môi trường thành ngành kinh tế quan trọng
Mặc dù, công tác bảo vệ môi trường đã được quan tâm, tăng cường, song, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, sẽ phát triển công nghệ xử lý chất thải để giảm ô nhiễm môi trường và trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho đất nước.
Những con số “biết nói”
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đa số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước) hiện chưa gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường. Chỉ tính riêng năm 2016, trên toàn quốc đã xảy ra hơn 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) Hoàng Văn Thức cho biết có tới 50% doanh nghiệp mắc lỗi thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường; gần 30% doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn cho phép.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường năm 2016, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, cả nước hiện có 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hằng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải. Đặc biệt, 787 đô thị thải ra khoảng 3.000.000m3 nước thải/ngày đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý…
Áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải
Bình luận về những con số “biết nói” trên, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường Phạm Văn Lợi nêu, các quy định pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường, có trách nhiệm trong quản lý chất thải phát sinh, phòng ngừa, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường… Song trên thực tế, việc chấp hành pháp luật về môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao.
Muốn thay đổi nhận thức, xem bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, trước hết phải tăng chế tài xử phạt, đồng thời rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản luật. Cùng với đó, có thêm chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm sang lĩnh vực thân thiện với môi trường và bền vững hơn.
Đảng, Nhà nước đã có quan điểm chỉ đạo đặt yêu cầu bảo vệ môi trường lên hàng đầu, đó là kiên quyết không cấp phép đầu tư xây dựng các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không bảo đảm các yêu cầu về xử lý môi trường. Các dự án chỉ được đưa vào vận hành khi có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường…
Để cụ thể hóa cho chiến lược phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025; đưa công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế quan trọng.
Theo đề án, Việt Nam sẽ phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ. Đồng thời, phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh.
Mục tiêu đặt ra là năng lực sản xuất trong nước có thể đáp ứng khoảng 70 – 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải; 60-70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn; 70-80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải; 40-50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60-70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40-50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60-70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20-30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20-30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()