Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đổi mạnh tư duy từ quan niệm tới mô hình
Sáng 28-9, tại Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh”, qua đó đề ra các giải pháp, kiến nghị những chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp Bắc Ninh phát triển bền vững.
NDĐT- Sáng 28-9, tại Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh”, qua đó đề ra các giải pháp, kiến nghị những chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp Bắc Ninh phát triển bền vững.
Sau 16 năm tái lập, từ một tỉnh nghèo thuần nông, Bắc Ninh đã trở thành một trong mười tỉnh phát triển công nghiệp đứng đầu cả nước. Thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới đang suy thoái nhưng Bắc Ninh vẫn là điểm sáng thu hút FDI cho phát triển, nhất là ngành công nghiệp.
Đến nay, tỉnh đã thu hút được hơn một nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước, tổng số vốn đạt gần 10 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý là ngành công nghiệp điện tử, viễn thông với sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Canon… và gần đây nhất là Nokia.
Những ngành công nghiệp này đã làm thay đổi diện mạo và tạo bước đột phá, đem lại cơ hội lớn cho Bắc Ninh; nhưng để phát triển bền vững Bắc Ninh đang rất cần định hướng cụ thể nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hướng đến các ngành điện tử, viễn thông – ngành có sự tham gia lớn của các sản phẩm CNHT.
Thực tế ngành CNHT Bắc Ninh mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai nên còn nhiều tồn tại, hạn chế: Sản xuất còn manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu; các sản phẩm CNHT còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) ngành CNHT chủ yếu phục vụ các tập đoàn đa quốc gia trên địa bàn, vẫn phụ thuộc chính vào nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài. Ngoài ra, các DN trong việc sản xuất các sản phẩm hỗ trợ đang thiếu sự gắn kết, và nguồn nhân lực phục vụ ngành chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng.
Từ thực trạng ngành CNHT của Bắc Ninh nói riêng, cũng như CNHT của cả nước nói chung, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thẳng thắn nhìn nhận một cách toàn diện bức tranh về CNHT của Bắc Ninh cũng như của cả nước thời gian qua; tập trung vào các vấn đề: về xây dựng thể chế, chính sách, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành hữu quan để bổ sung, điều chỉnh kịp thời, có phương án tổng thể phát triển ngành CNHT, chú trọng đến những lĩnh vực chủ chốt, phù hợp khả năng và điều kiện của Việt Nam.
Đồng chí Thuận Hữu cũng đề nghị các chuyên gia đóng góp ý kiến và nêu những giải pháp, chiến lược, vừa cụ thể vừa mang tính lâu dài, giúp Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan hoạch định, có cơ chế, chính sách “hỗ trợ” ngành CNHT của đất nước phát triển một cách phù hợp và hiệu quả.
Với định hướng phát triển bền vững, đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh xác định, Bắc Ninh đang nỗ lực để có bước đột phá nhằm chuyển từ lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa Bắc Ninh vượt qua các thách thức và những rào cản.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Túy khẳng định, “trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu không xây dựng được ngành CNHT tương ứng, đủ sức cạnh tranh quốc tế và có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thì sẽ có những nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu tư sang các địa phương, quốc gia khác có nhiều lợi thế hơn”.
Nhìn nhận về chiến lược phát triển ngành CNHT, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh từ vấn đề thay đổi nhận thức, từ bỏ cách nghĩ đơn giản, “được chăng hay chớ” vốn cho rằng CNHT chỉ đóng vai trò “phụ trợ” hay “bổ trợ”, không quan trọng nên không cần quan tâm, để từ đó xác định ngành CNHT là nền tảng của cấu trúc công nghiệp hiện đại.
“Người Nhật Bản gọi đó là công nghiệp hiện đại, công nghiệp nền tảng sản xuất ra tới 80% sản phẩm công nghiệp. Còn chúng ta sau 15 năm thậm chí còn chưa lên được một danh sách DN Việt Nam có đẳng cấp, có năng lực chuyên môn chuyên sâu trong lĩnh vực CNHT” – ông Thiên nhìn nhận.
Cần hiểu rằng CNHT không đồng nghĩa với các hoạt động công nghiệp dựa trên công nghệ thấp, chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà trái lại, theo ông Thiên, “cần tư duy ngành CNHT là nền tảng của nền công nghiệp hiện đại, và như vậy, về cơ bản CNHT phải là những ngành hoạt động dựa trên công nghệ và lao động kỹ năng cao”.
Khẳng định việc ngành CNHT Bắc Ninh muốn có bước đi bền vững thì trước tiên phải được quy hoạch dài hạn – các chuyên gia cho rằng, từng ngành, từng lĩnh vực phải rà soát và đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm hỗ trợ của ngành mình theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó” và khuyến cáo Bắc Ninh cần tập trung vào phát triển CNHT các ngành điện tử, tin học, cơ khí chế tạo.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong định hướng phát triển CNHT, Bắc Ninh cần có tư duy Vùng Thủ đô một cách rõ ràng để định vị năng lực và so sánh cạnh tranh của mình với các địa phương khác, đồng thời nên phát triển trọng điểm từ lợi thế cạnh tranh qua kinh nghiệm hợp tác với Samsung.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại bàn sâu vào quan niệm, mô hình và đề xuất thay đổi cách làm cụm công nghiệp trong lĩnh vực CNHT theo hướng hiện đại, nhằm mục tiêu tạo ra “chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu” đồng thời để ngành CNHT Việt Nam thoát khỏi “kiếp gia công” với hàm lượng giá trị gia tăng thấp, manh mún, chia cắt trong cả sản xuất, cung ứng, phân phối….
Nhiều chuyên gia khẳng định, để có được ngành CNHT hoạt động hiệu quả, vấn đề căn bản nhất đặt ra là chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực phải không ngừng nâng cao, cùng việc tạo cơ chế để thu hút, đào tạo những kỹ sư, công nhân bậc cao có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn, trang bị cho họ kiến thức cần thiết về công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN trong vùng với nhau cũng như giữa các DN trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ.
CNHT là một ngành quan trọng và là tiền đề cho ngành công nghiệp hiện đại hóa và phát triển – coi đây là ngành quan trọng, các chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần có những “chính sách khuyến khích đủ mạnh” để ngành CNHT phát triển; trong đó, việc đổi mới các chính sách ưu đãi dành cho các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ; xem xét hình thành các quỹ đầu tư tài chính cho phát triển CNHT; điều tra rà soát năng lực DN Việt Nam để có một “bản đồ” cụ thể và rõ ràng về nguồn nhân lực phục vụ cho công tác điều phối liên kết vùng, phân bổ nguồn lực và cạnh tranh hiệu quả lành mạnh, tránh tình trạng, khi xúc tiến đầu tư, mạnh DN nào DN nấy làm, tổn hại cho quyền lợi cho đối tác và ảnh hưởng sức mạnh cạnh tranh quốc gia.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()