Phát triển công nghiệp chế biến ở Kiên Giang
Với tiềm năng phong phú, đa dạng, tỉnh Kiên Giang có thế mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành công nghiệp này ở Kiên Giang cũng đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ.Đầu tư phát huy lợi thếVới hơn 475 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 200 km bờ biển với ngư trường rộng khoảng 63 nghìn km2, những năm qua, Kiên Giang luôn nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng lúa, sản lượng và đội tàu khai thác thủy, hải sản. Một số cây trồng khác như mía, khóm, tiêu; các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm hùm, cua biển, cá mú, ốc hương... cũng được tỉnh tạo điều kiện, khuyến khích người dân nuôi trồng, doanh nghiệp đầu tư... tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Xuân Lộc cho biết: Những năm gần đây, công nghiệp chế biến của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, tận dụng tốt...
Đầu tư phát huy lợi thế
Với hơn 475 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 200 km bờ biển với ngư trường rộng khoảng 63 nghìn km2, những năm qua, Kiên Giang luôn nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng lúa, sản lượng và đội tàu khai thác thủy, hải sản. Một số cây trồng khác như mía, khóm, tiêu; các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm hùm, cua biển, cá mú, ốc hương… cũng được tỉnh tạo điều kiện, khuyến khích người dân nuôi trồng, doanh nghiệp đầu tư… tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Xuân Lộc cho biết: Những năm gần đây, công nghiệp chế biến của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, tận dụng tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo thêm giá trị gia tăng, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách. Toàn tỉnh hiện có hơn 8.800 cơ sở chế biến nông-lâm-thủy sản lớn nhỏ, thu hút gần 40 nghìn lao động. Giá trị ngành công nghiệp này giai đoạn 2006-2010 tăng trưởng bình quân 11,73%, chiếm tỷ trọng 22-26% trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Để tạo được bước phát triển đó, tỉnh Kiên Giang luôn tạo điều kiện về mọi mặt, trong đó đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư. Trong năm năm, toàn tỉnh đã có 26 dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông-thủy sản, với tổng vốn đầu tư hơn 437 tỷ đồng. Nhiều nhà máy chế biến có công suất lớn đã được đầu tư xây dựng đáp ứng cơ bản về nhu cầu giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản thiết yếu của tỉnh. Chỉ tính riêng lĩnh vực chế biến thủy, hải sản, Kiên Giang đã có hơn bốn nghìn cơ sở lớn nhỏ, nằm rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tỉnh đã dần hình thành được khu công nghiệp chế biến tập trung tại cảng cá Tắc Cậu – cảng cá có quy mô lớn nhất nước. Chỉ mới hoàn thành giai đoạn I, nhưng hiện tại khu vực cảng cá Tắc Cậu đã có hàng chục doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà, xưởng, cơ sở sản xuất, chế biến hàng đông lạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, dây chuyền nướng, xé mực tẩm gia vị, dây chuyền chế biến các mặt hàng cao cấp ăn liền xuất khẩu, xây dựng nhà máy chế biến đồ hộp… nâng cao trình độ và năng lực chế biến hải sản, giảm dần tỷ trọng sản phẩm chế biến thô, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Hiện với 22 nhà máy đông lạnh công suất gần 119 nghìn tấn; hai nhà máy chế biến bột cá công suất 41 nghìn tấn; một nhà máy cá hộp công suất 11 triệu lon/năm; 155 cơ sở chế biến nước mắm… hằng năm Kiên Giang sản xuất được gần 32 nghìn tấn sản phẩm tươi, khoảng 20 nghìn tấn khô, bốn nghìn tấn cá hộp, 20 nghìn tấn bột cá, 42 triệu lít nước mắm…
Ngoài ra, tỉnh còn có 720 cơ sở xay xát, một nhà máy chế biến đường, một nhà máy chế biến khóm với hai dây chuyền sản xuất; mỗi năm sản xuất được 1,9 triệu tấn gạo; 13-15 nghìn tấn đường, 5 nghìn tấn nước khóm cô đặc, hai nghìn tấn khóm hộp; đáp ứng 70% sản lượng hàng nông sản của người dân. Tổng kim ngạnh xuất khẩu hàng nông-thủy sản của Kiên Giang năm 2010 ước đạt hơn 500 triệu USD, hơn hai lần so với năm 2006.
Chưa tương xứng tiềm năng
Mặc dù ngành công nghiệp chế biến đã được tỉnh quan tâm đầu tư, nhưng quá trình phát triển đã bộc lộ nhiều yếu kém, chậm được khắc phục. Cảng cá Tắc Cậu là nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến thủy sản với quy mô lớn nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu và lao động. Trong tổng số 21 cơ sở chế biến thủy sản có mặt thì có đến 14 cơ sở thiếu hệ thống xử lý nước thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và có nguy cơ ngừng hoạt động. Nhà máy đường, nhà máy chế biến khóm, trái cây công suất thiết kế lớn nhưng thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng phải vận hành cầm chừng, cùng với đó các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn sau khi thực hiện cổ phần hóa… Thế nên, Kiên Giang là một tỉnh có sản lượng khai thác, nuôi trồng các mặt hàng thủy, hải sản lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt rất thấp so với các tỉnh trong khu vực, chỉ khoảng 100 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, công suất của các cơ sở chế biến gạo xuất khẩu trên địa bàn vẫn chưa tương ứng với nguồn nguyên liệu của địa phương, công nghệ xay xát lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng, tỷ lệ hao hụt cao. Việc đầu tư vào các dịch vụ bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm, dẫn đến hàng hóa bị thất thoát nhiều, chất lượng kém. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Xuân Lộc thừa nhận: Công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông – thủy sản của tỉnh phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn nguyên liệu của địa phương. Nhất là mặt hàng thủy sản xuất khẩu tăng trưởng chậm, sản phẩm chủ yếu xuất ở dạng thô, nhiều sản phẩm làm ra giá thành còn cao, sức cạnh tranh thấp.
Nguyên nhân một phần do khách quan, như sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng quyết liệt; giá cả một số sản phẩm nông – thủy sản, nhiên liệu không ổn định; dây chuyền sản xuất chậm đổi mới; nguồn nguyên liệu từ khai thác, nuôi trồng gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường… Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế, yếu kém là do yếu tố chủ quan như: Công tác phối hợp thực hiện chưa đồng bộ, sản xuất chế biến thiếu sự chỉ đạo tập trung, chưa xác định nhiệm vụ cụ thể, việc tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp chưa kịp thời. Xây dựng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chưa đi đôi với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông làm cho doanh nghiệp ngại đầu tư cơ sở chế biến ngay tại vùng nguyên liệu. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản tại cảng cá Tắc Cậu cho rằng: Hiện nay, chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư của tỉnh chưa thật sự hấp dẫn, chưa xây dựng được chính sách khuyến khích riêng theo đặc thù ngành nghề cho nên các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất, đẩy nhanh đổi mới và đầu tư công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với bao tiêu nông – thủy sản hàng hóa cho nông dân, ngư dân chưa đồng bộ; một số vùng tuy được đầu tư quy hoạch nhưng năng suất thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của các nhà máy…
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang xác định, giai đoạn 2010-2015 tăng trưởng kinh tế phải đạt 13% trở lên; theo đó, công nghiệp chế biến phấn đấu tăng trưởng bình quân phải từ 16-17%/năm. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Xuân Lộc cho rằng: Để đạt mục tiêu này, ngành công nghiệp cùng với các ngành hữu quan phải thực hiện đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng như: Mặt hàng chủ lực của tỉnh là gạo phải xuất khẩu từ 900 nghìn đến một triệu tấn/năm, để đạt kim ngạch 500 triệu USD vào năm 2015. Kèm theo đó, Kiên Giang phải nâng công suất xay xát gạo từ 2,25 triệu tấn lúa hiện nay lên khoảng 2,5 triệu tấn; xây dựng thêm các nhà máy, dây chuyền sản xuất lau bóng gạo xuất khẩu có công suất 300-400 nghìn tấn; nâng công suất chế biến thủy sản đông lạnh toàn tỉnh đạt 150-160 nghìn tấn; kêu gọi đầu tư xây dựng thêm các dây chuyền sản xuất cá hộp mới nâng công suất lên khoảng 50 triệu sản phẩm/năm.
Để đạt những chỉ tiêu trên, tỉnh cần nhanh chóng đề ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc trên. Bên cạnh đó, tiếp tục đề ra chiến lược đẩy mạnh xúc tiến thương mại kể cả thị trường trong nước và củng cố, tìm kiếm, mở rộng thị trường nước ngoài. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất, nhập khẩu trên cơ sở gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến ngay tại vùng nguyên liệu để việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8A, huyện Tân Hiệp Vũ Ngọc Hứa đề nghị: Nhà nước cần tổ chức một cách khoa học và có sự ràng buộc nhau để nông dân và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên nguyên tắc cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro. Làm tốt việc đầu tư về vốn, giống, khoa học – kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý; có chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân tổ chức các hình thức kinh tế tập thể để làm đầu mối ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp.
Theo Sở Công thương Kiên Giang, các cơ quan hữu quan của tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, nhất là lĩnh vực công nghệ sinh học, giống mới, quy trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Tăng cường kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu nhất là hàng đông lạnh thủy sản, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong công nghiệp chế biến để tăng sản phẩm chế biến tinh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng cường đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại tại các cơ sở, để nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hoàn thành cảng cá Tắc Cậu giai đoạn II và các công trình trọng điểm. Thực hiện một số chính sách khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện thông thoáng… nhằm thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()