Phát triển công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng
Trong nhiều năm qua, cùng với công nghiệp quốc phòng, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo sát sao việc xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh. Những yêu cầu từ tất yếu khách quan đã đặt ra việc cần xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh hiện đại xứng với vai trò, vị trí, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Công nghiệp an ninh là bộ phận quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh; đồng thời là bộ phận của công nghiệp quốc gia, phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân.
Nâng tầm phát triển doanh nghiệp công an
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh (H08) cho biết: Lực lượng Công an nhân dân xác định đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong đó, phát triển công nghiệp an ninh chính là động lực để đổi mới trang thiết bị tiên tiến, hiện đại theo tinh thần “người trước-súng sau”. Thời gian qua, Cục Công nghiệp an ninh đã tập trung tham mưu Bộ Công an và Chính phủ xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp an ninh trong thời kỳ mới.
Cục đã tham mưu Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 26/2/2021 về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Bộ Công an giai đoạn 2021-2025. Đây là các dự án quan trọng, tạo tiền đề, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật quan trọng để phát triển công nghiệp an ninh; tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phát triển công nghiệp an ninh; chủ động đề xuất phương án sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại các doanh nghiệp của Bộ Công an, bảo đảm cơ chế tinh, gọn, hiệu quả; triển khai các thủ tục đất đai, tiến tới lập dự án xây dựng khu công nghiệp an ninh thứ hai tại thành phố Hà Nội và khu công nghiệp an ninh tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Cục Công nghiệp an ninh tham mưu, phối hợp Cục Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp Bộ Công an, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) trong xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cùng dự thảo các văn bản dưới luật để triển khai thực hiện (1/7/2024).
Công tác nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới luôn được H08 quan tâm, chú trọng. Chỉ riêng trong năm 2023, H08 chủ trì thực hiện sáu đề tài khoa học, trong đó có hai đề tài khoa học cấp bộ. Cục tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo bộ triển khai các chương trình, đề án, dự án và chỉ đạo, giao các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp trực thuộc, tập trung nguồn lực nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác các đơn vị trong và ngoài ngành, nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm an ninh chuyên dụng; tận dụng năng lực công nghệ, sản xuất các mặt hàng lưỡng dụng tham gia thị trường, phát triển các sản phẩm, giải pháp, phần mềm quản lý, phục vụ yêu cầu công tác công an và nhu cầu xã hội theo hướng tích hợp công nghệ cao.
Việc hợp tác thành công giữa Công ty Thanh Bình - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công an và Công ty cổ phần Biển Bạc là đơn vị ngoài ngành là minh chứng. Hai đơn vị đã nghiên cứu, hoàn thiện một số sản phẩm ứng dụng trong công tác công an: Hệ thống camera do Công ty Thanh Bình sản xuất tích hợp với phần mềm STM01 của Công ty cổ phần Biển Bạc; sản phẩm tem chống làm giả TrueOrigin công nghệ Blockchain, khóa bảo mật cao CyLock... Trong đó, phần mềm giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của Công ty cổ phần Biển Bạc được Bộ trưởng Công an phê duyệt làm cơ sở đưa vào trang bị, sử dụng tại đường bộ cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Bên cạnh đó, Cục chỉ đạo, hướng dẫn Công ty Thăng Long-BCA xây dựng phương án thiết kế cải tiến kỹ thuật sản phẩm xe chữa cháy cỡ nhỏ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, sản xuất thử nghiệm trong lực lượng...
Nhằm trao đổi, tìm kiếm cơ hội, hợp tác về công nghiệp an ninh, H08 phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức các buổi làm việc, trao đổi, tăng cường hợp tác với các đoàn doanh nghiệp quốc tế, cử cán bộ tham gia các đoàn công tác của Bộ Công an làm việc tại các nước tìm hiểu cơ hội, tiềm năng hợp tác; chủ động tham gia các sự kiện, triển lãm liên quan công nghiệp quốc phòng, an ninh tổ chức tại Việt Nam, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng; tăng cường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ của các nước phát triển, các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu.
Phát triển công nghiệp an ninh, kết hợp phục vụ dân sinh
Nghị quyết Đại hội XI, XII, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng: “Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội”.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh với các thế lực thù địch và phòng chống tội phạm đặt ra cho lực lượng công an những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Đáng chú ý, đứng trước những thách thức mới từ an ninh phi truyền thống và các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, không chỉ đòi hỏi sự đổi mới toàn diện về đối sách, biện pháp nghiệp vụ của lực lượng mà còn cần được trang bị, hiện đại hóa các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng tiên tiến, hiện đại.
Các doanh nghiệp Bộ Công an chính là nòng cốt phát triển công nghiệp an ninh, đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới sản xuất các sản phẩm an ninh có tính lưỡng dụng. Thực tế cho thấy, phần lớn trang thiết bị công nghiệp an ninh hiện có sẵn trên thị trường hiện nay là sản phẩm nhập khẩu có thông số và những yếu tố chưa phù hợp điều kiện sử dụng trong nước. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các công ty như: Thăng Long-BCA, Thanh Bình-BCA đã tăng cường tự nghiên cứu, tự làm chủ công nghệ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển theo hướng số hóa, tự động hóa, từ đó chủ động tham gia vào việc chuyển đổi số của toàn lực lượng.
Đến nay, công nghiệp an ninh đã chủ động nghiên cứu, sản xuất hàng trăm chủng loại sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ và sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng thuộc các lĩnh vực như: Xây dựng cơ bản, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, quân trang. Gần đây, Thanh Bình-BCA, Thăng Long-BCA tăng cường nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm mới như: thiết bị ghi âm, ghi hình hỏi cung, máy lăn tay, ghế thẩm vấn... đáp ứng phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng.
Với bề dày 30 năm xây dựng, phát triển, Thăng Long-BCA luôn nỗ lực để trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; xuất nhập khẩu trang, thiết bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ; sản xuất biển số xe phản quang và kinh doanh xăng dầu phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân. Phó Tổng Giám đốc Thăng Long-BCA, Thượng tá Tống Thị Thu Hằng cho biết: Công ty đang mở rộng sản xuất các loại phương tiện thiết bị phòng cháy, chữa cháy, phục vụ ngành và tham gia thị trường, lấy chất lượng là mục tiêu hàng đầu trong duy trì và phát triển thương hiệu, vươn ra thị trường quốc tế. Giai đoạn 2018-2022, đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid-19, công ty tập trung mọi nguồn lực của 12 đơn vị thành viên, vượt qua khó khăn, góp phần đưa thu nhập bình quân lên tới gần 20 triệu đồng/người năm 2023.
Có 30 năm chuyên sản xuất hàng quân trang, Công ty TNHH một thành viên 19-5 tham gia phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu trong lĩnh vực đồng phục, trang phục, quần áo, giày, mũ, biển hiệu, số hiệu các ngành. Hiện, công ty có gần 1.200 cán bộ, công nhân viên, lao động hợp đồng, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Đại tá Dương Mạnh Trường cho biết: Các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”; lao động giỏi, lao động sáng tạo được Đảng ủy, Ban Giám đốc chỉ đạo sát sao. Ngoài ra, công ty thường xuyên đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, trang thiết bị nhà xưởng, kho tàng, nhất là đào tạo tuyển dụng số cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao trong lĩnh vực sản xuất phục vụ cấp phát và cung ứng ra thị trường; quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác kỹ thuật, tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống phân xưởng sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của công ty ngày một nâng cao, nhiều năm liên tục được bình chọn là “Doanh nghiệp mạnh và phát triển bền vững”.
Ý kiến ()