Phát triển công nghệ hướng tới lợi ích chung
Bên lề Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ngày 6/6, Diễn đàn Toàn cầu về công nghệ đã được tổ chức, với nhiều nội dung được các quốc gia, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ-sáng tạo quốc tế cùng quan tâm.
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cầu về công nghệ tổ chức ngày 6/6 tại thủ đô Paris. (Ảnh: MINH DUY) |
Cùng các đoàn đại biểu từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đoàn đại biểu Việt Nam do bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) tham dự diễn đàn.
Hiện nay, thế giới phải đối mặt với những thách thức liên quan tới sức khỏe, lương thực, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, an ninh và kinh tế. Sự phát triển khoa học và công nghệ mang tới cho con người những giải pháp trong tương lai. Nhưng ở một khía cạnh khác, khoa học-công nghệ cũng đặt ra nhiều mối lo ngại và rủi ro tác động đến chính lợi ích của con người, xã hội và môi trường.
Các đại biểu tham dự sự kiện khai mạc đều cho rằng, để ứng phó những thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tạo ra các cơ hội kinh tế-xã hội mới, cùng với đó là nền tảng tri thức tập thể tiến bộ hơn về công nghệ.
Toàn cảnh Diễn đàn Toàn cầu về công nghệ OECD. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Theo kết quả của Cuộc họp cấp Bộ trưởng OECD về kinh tế kỹ thuật số diễn ra tháng 12/2022, các quốc gia thống nhất Diễn đàn Toàn cầu về công nghệ là nơi tổ chức đối thoại chuyên sâu thường xuyên, nhằm đón đầu các cơ hội cũng như dự đoán rủi ro dài hạn do công nghệ mang lại.
Tiến bộ công nghệ đột phá có thể đóng góp vào nhiều lĩnh vực hoạt động của con người như việc làm, giáo dục, giao tiếp trực tuyến, nhưng mặt khác lại có thể làm xói mòn sự gắn kết xã hội, gây bất bình đẳng, đe dọa an ninh và nhân quyền.
Đó là lý do Diễn đàn Toàn cầu về công nghệ năm nay tập trung thảo luận ba nội dung liên quan tới bảo đảm phát triển và ứng dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, hướng tới quyền lợi của người sử dụng; tăng cường vai trò của công nghệ mới nổi có khả năng thúc đẩy quá trình phục hồi của xã hội sau những thách thức, khó khăn trong thời gian qua và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; cải thiện khả năng dự đoán của chính sách về công nghệ và thu hẹp khoảng cách về mặt nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật số.
Trải nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). (Ảnh: MINH DUY) |
Diễn đàn Toàn cầu về công nghệ được đánh giá như một chương trình hành động trung và dài hạn nhằm thu hút các thành viên và các quốc gia không phải thành viên của OECD. Diễn đàn hướng tới mục tiêu thúc đẩy đối thoại chiến lược dựa trên nghiên cứu và hợp tác quốc tế, về các chủ đề hàng đầu liên quan đến chính sách công nghệ và kỹ thuật số toàn cầu.
Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công nghệ, thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên lợi ích chung.
Nguồn:https://nhandan.vn/phat-trien-cong-nghe-huong-toi-loi-ich-chung-post756462.html
Ý kiến ()