Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp
LSO-Trong những năm qua, kinh tế - xã hội mặc dù đã có những tăng trưởng nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều yếu kém, đời sống và thu nhập của người dân vẫn còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để có thể giảm nghèo bền vững, ngoài việc tập trung đầu tư cải thiện điều kiện hạ tầng, thì việc quan trọng nhất là tạo sinh kế cho người dân tự vươn lên thoát nghèo.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành tham vấn cho doanh nghiệp về chính sách xúc tiến thương mại, đầu tư bền vững trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp- Ảnh: LÊ MINH |
Với điều kiện tự nhiên địa hình bị chia cắt mạnh, nguồn nước hạn chế, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, khó tiếp cận thị trường … thì việc xác định lợi thế là gì, để lựa chọn sản xuất sản phẩm gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai vàà tập trung hỗ trợ người dân phát triển vùng hàng hóa gắn với thị trường là hết sức cần thiết. Giải được bài toán trên chính là gỡ được nút thắt trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng gắn kết chuỗi giá trị, từ định hướng phát triển của tỉnh, thúc đẩy sản xuất và sự hỗ trợ tham gia của doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, với chức năng là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh lần thứ XVI, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tranh thủ tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức, nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư phát triển nông nghiệp. Trong năm 2015, được sự quan tâm của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn đã phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang thực hiện công tác vận động tài trợ của ADB cho các tỉnh Đông Bắc. Kết quả ADB đã ký biên bản ghi nhớ và phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn”. Trong đó, riêng tỉnh Lạng Sơn được thực hiện hợp phần cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nông thôn với trị giá dự kiến khoảng 15 triệu USD.
Nhằm chuẩn bị trước một bước trong việc chủ động triển khai thực hiện hợp phần chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát nhu cầu đầu tư của các huyện, thành phố, tập trung vào 4 hạng mục gồm: phát triển chuỗi giá trị hàng hóa nông lâm nghiệp tiềm năng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; trồng rau an toàn; phát triển vùng trồng và chế biến dược liệu. Song song với việc khảo sát tiềm năng, nhu cầu đầu tư, bước đầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc, tiếp xúc với một số doanh nghiệp tiềm năng để nắm bắt nhu cầu thị trường, đồng thời động viên doanh nghiệp đồng thuận hỗ trợ, tham gia với tỉnh trong quá trình triển khai dự án… Bước đầu làm việc, một số lĩnh vực có sự đồng thuận cao từ người dân, chính quyền các cấp và doanh nghiệp đó là phát triển chuỗi giá trị thị trường sản phẩm đặc sản của Lạng Sơn như: rau, hoa quả đặc sản; phát triển vùng quế, vùng gừng, vùng bạc hà, vùng xả… cung cấp nguyên liệu cho chế biến tinh dầu; vùng nguyên liệu gỗ cho nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao…
Để thực hiện được dự án này, ngoài việc hỗ trợ vốn bước đầu từ các tổ chức quốc tế, để có hiệu quả đi vào cuộc sống, cần làm từng bước, có sự quyết tâm cao từ các cấp chính quyền, sự vào cuộc của người dân và đặc biệt cần có sự hỗ trợ góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà khoa học. Sở Kế hoạch và Đầu tư hy vọng rằng, với tâm huyết và nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của sở cùng với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, UBND các huyện, thành phố, trong giai đoạn tới, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ chủ động, tự giác chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thị trường, gắn sản xuất với tiêu thụ và tự thoát nghèo bền vững.
MAI TÚ
Ý kiến ()