Phát triển chế biến lâm sản: Nâng giá trị gỗ rừng trồng
– Những năm qua, nhằm từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ rừng trồng, bên cạnh việc xây dựng các vùng trồng rừng sản xuất, vùng trồng rừng nguyên liệu… tỉnh Lạng Sơn đã tập trung phát triển các cơ sở chế biến sâu sản phẩm gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ.
Tính đến hết tháng 9/2022, tổng diện tích đất rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh có hơn 501 nghìn héc – ta, trong đó đã trồng rừng sản xuất gần 396 nghìn héc – ta, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trên 424.000 m3/năm. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản.
Sản xuất, chế biến ván bóc trên địa bàn huyện Hữu Lũng
Với tiềm năng như vậy, những năm qua, đặc biệt là từ năm 2020 trở lại đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, đặc biệt là những huyện có diện tích rừng trồng lớn tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản, trong đó, ưu tiên những doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, chế biến sâu. Do vậy, số lượng cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2020 có 171 cơ sở, năm 2021 đã tăng lên 210 cơ sở và đến hết tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh có 266 cơ sở.
Điển hình như trên địa bàn huyện Hữu Lũng, hiện có 72 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 7 cơ sở có quy mô lớn (2 cơ sở đầu tư từ vốn nước ngoài), đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để thực hiện chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ.
Bà Dương Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Toàn huyện hiện có trên 23.000 ha rừng trồng. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trung bình mỗi năm của huyện trên 125.000 m3. Nếu chỉ khai thác và bán cho các tư thương mà không qua chế biến thì giá trị thu được chỉ vào khoảng 51 tỷ đồng. Nhưng qua chế biến, giá trị đã đạt hơn 100 tỷ đồng (thống kê năm 2021).
Ngoài Hữu Lũng, hiện trên địa bàn huyện Bình Gia, hoạt động chế biến lâm sản cũng đang phát triển mạnh. Theo đó, toàn huyện hiện có 31 cơ sở chế biến, trong đó có 11 tổ chức, doanh nghiệp chế biến lâm sản (chủ yếu chế biến ván ép). Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Diện tích vùng rừng trồng nguyên liệu gỗ toàn huyện hơn 18.000 ha, trong đó phần lớn là rừng mỡ, keo, bạch đàn, hồi… để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2020 đến hết tháng 9/2022, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt hơn 8.000 m3, giá trị hơn 11 tỷ đồng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Không chỉ gia tăng về số lượng cơ sở chế biến, hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở chế biến lâm sản có quy mô lớn, sử dụng máy móc công nghệ hiện đại để chế biến sâu các sản phẩm lâm nghiệp. Nhiều cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh đã đầu tư sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ như sản xuất gỗ dán, ván ép và sản xuất, gia công các sản phẩm nội thất. Chính điều này góp phần nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh. Cụ thể, năm 2021, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 4.053 tỷ đồng, trong đó giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng gần 3.930 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2022, giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng đã đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng (dự ước đến cuối năm 2022, giá trị gỗ rừng trồng sẽ đạt 4,3 – 4,5 nghìn tỷ đồng).
Các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua không chỉ gia tăng về số lượng, quy mô sản xuất, mà các cơ sở chế biến đã chủ động thực hiện liên kết để thúc đẩy khâu tiêu thụ sản phẩm, trong đó, chủ yếu đẩy mạnh xuất khẩu sang một số nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Theo thống kê của Sở Công Thương, kim ngạch mặt hàng gỗ các loại xuất khẩu của tỉnh trong năm 2021 đạt trên 150 triệu USD, tăng 38 triệu USD so với năm 2020.
Ông Nguyễn Hữu Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thành An (xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng) cho biết: Hiện công ty có 3 chi nhánh sản xuất ở Lạng Sơn, Phú Thọ và Tuyên Quang. Trong đó, tại Lạng Sơn, từ năm 2017 đến nay, công ty đã chi 20 tỷ đồng để đầu tư vào dây chuyền sản xuất ván ép. Theo đó, mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 6.600 m3 gỗ thành phẩm sang 5 nước (Trung Quốc, Nhật, Hàn, Đài Loan và Mỹ), doanh thu mỗi năm khoảng 40 – 50 tỷ đồng (riêng chi nhánh tại Lạng Sơn). Giá trị giữa bán nguyên liệu và thành phẩm là rất khác nhau. Nếu chúng ta đầu tư chế biến sản phẩm, nhất là chế biến sâu sản phẩm từ gỗ như chế biến, sản xuất ván ép, gỗ dán và sản phẩm đồ gia dụng như giường tủ, bàn, nghế, đồ trang trí mỹ nghệ thì giá trị mang lại gấp 2 lần so với việc chỉ bán nguyên liệu gỗ.
Được biết, một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 3/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030 đề ra là: giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2025 (theo giá thực tế) đạt 5.600 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất gỗ rừng trồng đạt từ 4.300 tỷ đồng trở lên; giá trị xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ đạt 510 tỷ đồng trở lên. Để đạt mục tiêu này, thì bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng, các huyện, thành phố cần tiếp tục tập trung phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản, đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ.
Ý kiến ()