Phát triển chăn nuôi lợn hàng hoá ở Lào Cai
Phát triển chăn nuôi lợn trang trại, gia trại an toàn dịch bệnh đã và đang là hướng chăn nuôi bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế ở địa phương.
– Phát triển chăn nuôi lợn trang trại, gia trại an toàn dịch bệnh đã và đang là hướng chăn nuôi bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế ở địa phương. Hiện nay, chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp đang phát triển khá nhanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Lào Cai đang có trên 90 trang trại chăn nuôi lợn hàng hoá, mỗi năm xuất bán được 4.500 tấn lợn hơi ra thị trường. Để có nguồn cung lợn đực giống khai thác truyền tinh nhân tạo, thời gian qua, địa phương đã xây dựng 6 cơ sở khai thác và truyền tinh nhân tạo tại các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn và thành phố Lào Cai. Các trang trại chăn nuôi sản xuất con giống tại chỗ, chủ động nguồn giống chất lượng tốt, sạch bệnh cho sản xuất, nhằm hạn chế việc nhập con giống từ nơi khác để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Với số lợn nái hiện có gần 1,8 nghìn con, mỗi năm đã sản xuất 28 nghìn con giống, qua đó đã đáp ứng 95% nhu cầu chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh. Theo anh Trương Văn Thành, dân tộc Dao, thôn Làng Cung I, xã Phong Niên (Bảo Thắng): Trước đây, gia đình chủ yếu làm ruộng, mùa vụ bấp bênh, thu nhập không cao. Với quyết tâm làm giàu từ chính quê hương mình, anh đã thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cùng với phát triển thủy sản, trong chuồng nhà anh Thành lúc nào cũng duy trì 4 lợn nái giống và hơn 20 đầu lợn thịt; mỗi năm xuất bán từ 2 lứa lợn thịt cho lãi hơn 30 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho gia đình. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Dự án “Hỗ trợ sản xuất giống lợn năng suất, chất lượng cao và phát triển lợn đen bản địa” bước đầu phát triển mạnh tại các huyện Mường Khương và Bát Xát. Đàn lợn nái sinh sản đạt 1,3 nghìn con. Giai đoạn 2011 – 2013, mỗi năm sản xuất 15 nghìn con lợn thịt thương phẩm và xuất bán khoảng 25 nghìn tấn thịt lợn đen bản địa. Hiện nay, Lào Cai đã xúc tiến xây dựng thương hiệu “Thịt lợn đen Lào Cai” để quảng bá sản phẩm. Đây là hướng sản xuất có ưu thế cạnh tranh, khai thác nguồn gen quý của địa phương, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của đồng bào vùng cao. Bên cạnh đó, để việc giết mổ gia súc được tập trung và đảm bảo an toàn dịch bệnh, địa phương đã quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại 4 cơ sở lớn ở thành phố Lào Cai và các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương đang hoạt động có hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm và dịch bệnh. Đặc biệt, mô hình xã an toàn dịch bệnh là một trong những hướng đi tích cực nhằm xây dựng môi trường chăn nuôi “sạch” và đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến lưu thông, đang được Chi cục Thú y Lào Cai tích cực xây dựng và triển khai thực hiện. Đồng thời, ngành thú y đang tích cực đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc. Trong đợt tiêm phòng kỳ I vừa qua, các địa phương đã tiêm hơn 4.000 liều vắc-xin và đang tiếp tục tiêm phòng kỳ II năm 2013. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ xây dựng trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tập trung và xây dựng cơ sở giết mổ tập trung còn chậm. Nguyên nhân do các doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án, còn thiếu chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung. Để chăn nuôi lợn hàng hoá phát triển theo hướng bền vững, thiết nghĩ, các cơ quan chuyên ngành của địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt việc chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho các gia trại, các hộ nông dân để giúp người dân biết cách lựa chọn, sử dụng con giống tốt, phát triển đàn tại quy mô hộ gia đình; khắc phục được tình trạng giao phối cận huyết và góp phần nhân nhanh số lượng đàn lợn trên địa bàn, nhất là các nguồn gen quý có chất lượng và giá trị kinh tế cao (giống lợn đen bản địa). Hơn nữa, địa phương cần tích cực đào tạo cán bộ, mở các lớp tập huấn, hội thảo, kiện toàn mạng lưới thú y viên cơ sở đảm bảo được tốt nhiệm vụ khuyến nông, phòng trị bệnh cho đàn gia súc. Đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung nhằm góp phần đẩy mạnh chăn nuôi lợn hàng hoá phát triển bền vững. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()