LSO-Trong những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta đã có những bước phát triển tương đối nhanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung. Kinh nghiệm, phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi của nông dân cũng được nâng lên một bước. Câu chuyện chăn nuôi được hay thua giờ không phải là quy trình chăn nuôi thế nào mà là phân tích, ứng phó với thị trường ra sao. Câu chuyện ở xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng là một ví dụ. Phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại tại thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến, huyện Hữu LũngDiện tích đất canh tác nông nghiệp của Đồng Tiến không phải ít, theo thống kê có tới trên 300ha, nhưng diện tích chủ động được nước thì lại quá nhỏ. Chính vì vậy mà chăn nuôi được người dân Đồng Tiến lựa chọn như một hướng chủ lực để phát triển kinh tế. Ông Triệu Thế Như, Bí Thư Đảng ủy xã cho biết: Giai đoạn 2006-2007, chăn nuôi trên địa bàn phát triển nhanh chóng, Đồng Tiến vươn lên trở thành một trong những xã có phong trào chăn nuôi lớn nhất của...
LSO-Trong những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta đã có những bước phát triển tương đối nhanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung. Kinh nghiệm, phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi của nông dân cũng được nâng lên một bước. Câu chuyện chăn nuôi được hay thua giờ không phải là quy trình chăn nuôi thế nào mà là phân tích, ứng phó với thị trường ra sao. Câu chuyện ở xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng là một ví dụ.
Phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại tại thôn
Liên Phương, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng
Diện tích đất canh tác nông nghiệp của Đồng Tiến không phải ít, theo thống kê có tới trên 300ha, nhưng diện tích chủ động được nước thì lại quá nhỏ. Chính vì vậy mà chăn nuôi được người dân Đồng Tiến lựa chọn như một hướng chủ lực để phát triển kinh tế. Ông Triệu Thế Như, Bí Thư Đảng ủy xã cho biết: Giai đoạn 2006-2007, chăn nuôi trên địa bàn phát triển nhanh chóng, Đồng Tiến vươn lên trở thành một trong những xã có phong trào chăn nuôi lớn nhất của toàn huyện Hữu Lũng. Có thể khẳng định, phong trào chăn nuôi ở Đồng Tiến không phải là tự phát mà phát triển một cách có suy tính. Với vị trí giáp với Bắc Giang, tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển, nhân dân trong xã đã chủ động học tập kinh nghiệp và các phương thức chăn nuôi ở tỉnh bạn. Chính vì vậy, các mô hình chăn nuôi ở Đồng Tiến hầu hết là tập trung và an toàn dịch bệnh.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, dịch bệnh gia súc gia cầm ở Hữu Lũng, Bắc Giang bùng phát không phải ít, nhưng ở vị trí “nhạy cảm” nhất, Đồng Tiến chưa một lần phát dịch. Anh Hoàng Mạnh Tùng, thú y viên cơ sở của xã khẳng định: kỹ thuật chăn nuôi của người dân rất tốt, an toàn dịch bệnh được coi trọng hàng đầu. Tới thời điểm này, tổng đàn gia cầm của toàn xã lên đến gần 80.000 con và trên 2.300 con lợn. Thế nhưng, theo Bí thư Đảng ủy xã, chăn nuôi phát triển, nhiều người “thắng”, có gia đình còn thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, song cũng chẳng ít người “thua”, đến nỗi phải vào Nam làm công nhân để kiếm tiền trả nợ. Như câu chuyện của gia đình anh Hoàng Văn Lâm, thôn Địa Phận, cháu rể của ông Bí thư chẳng hạn. Cách đây 2 năm, sau một thời gian tích cóp và học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng anh quyết định đầu tư vào chăn nuôi. Nhờ kinh nghiệm học được cộng với tính cần cù chịu khó, đàn vật nuôi của gia đình lớn nhanh như thổi. Tưởng đã chắc ăn, nhưng khi mang sản phẩm đi tiêu thụ thì giá bán không bù nổi tiền thức ăn, chưa kể đến còn tiền công chăm sóc, tiền lãi vay… Qua 2 vụ, anh Lâm đành phải bỏ chăn nuôi đi làm thuê để trả nợ. Không phải riêng mình anh, mà trong vài năm qua, ở Đồng Tiến không ít người rơi vào tình cảnh như vậy. Số lượng đàn gia súc, gia cầm ở Đồng Tiến hiện nay tuy vẫn cao so với các địa phương khác, nhưng thực chất so với thời điểm trước đã giảm đi rất nhiều. Cũng chăn gà, nuôi lợn, trái ngược với thất bại trên, có rất nhiều người phát triển ổn định và vươn lên làm giàu.
Trường hợp của gia đình anh Từ Xuân Nam, Trưởng thôn Liên Phương là một ví dụ điển hình. Cách đây 10 năm gia đình anh đã đầu tư chuồng trại để nuôi lợn nái và lợn thịt. Lúc cao điểm trong gia trại của anh lúc nào cũng có trên 30 đầu lợn, hàng năm xuất chuồng gần 6 tấn thịt. Chăn nuôi hiệu quả, anh đầu tư nuôi thêm gà với quy mô 1.500 con. Trung bình từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình lãi khoảng 100 triệu đồng. Anh Nam tâm sự: toàn thôn có 140 hộ, trước đây rất nhiều gia đình theo hướng chăn nuôi, nhưng thất bại khá nhiều, hiện trong thôn chỉ có khoảng 20 hộ chăn nuôi có quy mô tương tự hoặc lớn hơn quy mô của gia đình anh. Anh Nam phân tích: Cùng kỹ thuật chăn nuôi như thế, nhưng điều quan trọng là phải biết tìm kiếm và phân tích thị trường. Thời điểm ấy, nếu được giá thì hơi non cũng xuất chuồng, chỉ chênh nhau vài ngày giá đã khác nhau một trời, một vực. Điều này thì do sự nhạy bén và mối liên kết với doanh nghiệp của mỗi người.
Nếu như trước đây, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp thì kỹ năng thị trường chưa được coi trọng. Nhưng giờ đây, khi chuyển sang chăn nuôi hàng hóa, quy mô lớn hơn, thì yếu tố thị trường lại được coi như quyết định thành, bại. Từ câu chuyện ở Đồng Tiến cho thấy, muốn phát triển chăn nuôi thì chỉ tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình thôi chưa đủ, cần phải trang bị cho người nông dân những kỹ năng cơ bản về phân tích thị trường, và cần có cả sợi dây liên kết doanh nghiệp với người chăn nuôi.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()