Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng bền vững
Nông dân xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì (Hà Nội) chăm sóc đàn bò BBB.
Khai thác chưa hết tiềm năng
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ năm 2016 đến 2018, tổng đàn bò của cả nước tăng nhẹ, tốc độ tăng trưởng trung bình là 2,75%. Tốc độ tăng trưởng của bò lai là 4,27%/năm, bò sữa là 2,09%/năm; dê, cừu là 15,45%/năm; thỏ là 12,88%/năm và hươu, nai là 6,19%/năm. Cùng với đó, nhiều chính sách (về nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ thiên tai, kiểm soát dịch bệnh…) đã và đang đi vào thực tiễn, thu hút người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm các loại GSĂC trong nước và xuất khẩu. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật (TBKT) được nghiên cứu, cập nhật và chuyển giao cho sản xuất, nhất là các TBKT về giống, chuồng trại và thức ăn dinh dưỡng vật nuôi. Phương thức chăn nuôi có những thay đổi tích cực, hình thành nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất như: Chăn nuôi hươu sao, dê, cừu thịt; chăn nuôi bò sữa hiện chiếm tỷ lệ gần 100%. Thị trường giá cả và các sản phẩm GSĂC cơ bản ổn định, bảo đảm người chăn nuôi có lãi.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, kết quả đạt được chưa được như mong muốn, bởi cả nước hiện sản xuất khoảng 5,5 triệu tấn thịt các loại, trong đó sản lượng thịt GSĂC chỉ khoảng 8,6%, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thịt lợn và gia cầm. Qua khảo sát thực tế, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam năm 2018 là 3,15 kg thịt xẻ/người/năm; tiêu thụ sữa bình quân đạt 27 kg/người/năm, dự báo đến năm 2020, đạt khoảng 28 kg/người/năm, thấp hơn hẳn so với mức trung bình của các quốc gia trên thế giới. Trong các sản phẩm GSĂC, chúng ta mới chỉ xuất khẩu chính ngạch được sữa và các sản phẩm từ sữa đến gần 50 quốc gia; thịt và sản phẩm thịt xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có nhiều lợi thế, song ngành chăn nuôi GSĂC chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, vẫn phải đối mặt với một số thách thức như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến, công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, năng suất, giá thành. Công tác thanh tra, kiểm tra về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi còn nhiều hạn chế, nhất là ở các địa phương. Bên cạnh đó, chăn nuôi GSĂC, nhất là bò sữa đòi hỏi tỷ suất đầu tư lớn, chu kỳ sản xuất dài, thời gian thu hồi vốn chậm, có tính rủi ro cao, cho nên phần lớn người sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển. Việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ và cây thức ăn cho GSĂC ở nhiều nơi còn gặp khó khăn. Mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt còn hạn chế, giá thịt bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường. Tình hình nhập lậu vật nuôi sống nhất là bò thịt và sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài qua biên giới đường bộ vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, so với ngành khác, chăn nuôi là ngành có kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn nhất. Thực tế cho thấy, nếu không xuất khẩu được thì không tạo ra động lực phát triển. Do vậy, trong giai đoạn mới, cần cơ cấu lại ngành theo hướng chú trọng phát triển các loài GSĂC để phù hợp thực tiễn tại Việt Nam và theo xu thế chung của thế giới. Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết thêm, cần phân loại sản phẩm để hướng tới các đối tượng tiêu dùng khác nhau. Trước mắt ưu tiên phát triển các sản phẩm sữa chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, và các thị trường khác trong khu vực như: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Xin-ga-po…
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, muốn đạt thành quả khởi sắc hơn, tới đây cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Có thêm các cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với các hộ chăn nuôi hướng đến sản xuất hàng hóa lớn. Tận dụng những thế mạnh, tổ chức sản xuất để khai thác tốt, nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm sản phẩm GSĂC, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tích hợp quy hoạch phát triển chăn nuôi ở cụm tỉnh, vùng, miền với quy hoạch chung của quốc gia. Xây dựng vùng chăn nuôi GSĂC gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; tiếp tục chuyển đổi diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; chế biến phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp. Áp dụng công nghệ sinh học trong việc chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng. Từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp thực tế địa phương. Thống nhất hệ thống quản lý giống trâu, bò sữa, bò thịt ở các cơ sở nhân giống trên phạm vi cả nước gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi. Ðẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Tổ chức liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ: Sản xuất – thu mua – chế biến – bảo quản – tiêu thụ sản phẩm; chú trọng liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hội, hiệp hội ngành hàng. Xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Phấn đấu duy trì mức tăng trưởng trung bình giá trị sản phẩm của GSĂC giai đoạn 2019 – 2025 đạt từ 5% đến 6%/năm. Sản lượng thịt hơi GSĂC đến năm 2025 đạt hơn 500 nghìn tấn, chiếm hơn 10% tổng sản lượng thịt các loại. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt từ 1,8 đến 2 triệu tấn (khoảng 35 kg/người/năm) và hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
Theo Nhandan
Ý kiến ()