Phát triển chăn nuôi bò sữa ở Thái Bình: Còn nhiều khó khăn
Thái Bình là một trong những tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, hiện, ngành chăn nuôi bò sữa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: HNV) |
Tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa
Thái Bình là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa. Trong đó, thị trường tiêu thụ sữa rộng do nhu cầu sử dụng sữa, nhất là tươi và các sản phẩm từ sữa tươi của người dân ngày càng tăng.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh có 3.455ha đất màu bãi. Đây là diện tích đất có tiềm năng phát triển cho chăn nuôi bò sữa, đặc biệt là trồng thức ăn thô xanh. Dự kiến năng suất cỏ đạt trên 300 tấn/ha/năm, đáp ứng thức ăn xanh cho bò sữa khi chăn nuôi bò sữa trở thành nghề của nông dân.
Về tiến bộ khoa học kỹ thuật, tỉnh đã có công nghệ cao của Isarel trong chăn nuôi bò sữa, tạo điều kiện giúp nông dân áp dụng công nghệ cao thay vì chỉ áp dụng ở những trang trại quy mô công nghiệp. Mặt khác, Thái Bình có nguồn lao động dồi dào, có khả năng và năng lực khi được đào tạo chuyên sâu tạo. Đồng thời, tỉnh được kết nối với hệ thống giao thông toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển thu mua sữa.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình, năm 2003, tỉnh đã xây dựng dự án phát triển đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, dự án chưa thành công do nhiều nguyên nhân như: giống bò hậu bị F1 chưa qua kiểm tra chất lượng giống nên tỷ lệ loại thải cao, sản lượng sữa kém; đối tượng chăn nuôi bò sữa có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, chưa được đào tạo kỹ về chăn nuôi bò sữa. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là đội ngũ làm công tác thụ tinh nhân tạo, cán bộ thú y bò sữa còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ; thức ăn chăn nuôi, diện tích đất trồng cỏ chưa đáp ứng yêu cầu về lượng và chất. Sản phẩm sữa sản xuất khối lượng ít, không tập trung, thị trường tiêu thụ khó, giá sữa thấp (3.000 đồng/kg).
Mặt khác, công tác thú y trong chăn nuôi bò sữa còn yếu; công tác quản lý còn nhiều yếu kém, bất cập; cơ chế chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh.
Thêm vào đó, đầu tư lĩnh vực chăn nuôi bò sữa đòi hỏi vốn lớn, chưa có tổ chức tích hợp cung ứng giống, dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cho chăn nuôi bò sữa.
Điều kiện thời tiết và khí hậu nhiệt đới nóng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sữa. Đồng thời, chăn nuôi bò sữa là một nghề mới, người chăn nuôi chưa có kinh nghiệm trong kỹ thuật cũng như tiếp cận thị trường. Giá thức ăn tinh cao là một khó khăn cho chăn nuôi bò sữa.
Năm 2013, tỉnh chỉ có một trang trại bò sữa duy nhất là trang trại của Công ty Thiên Phát (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) đang quản lý, nuôi dưỡng khai thác đàn bò sữa số lượng 45 con. Trong đó, bò khai thác 25 con, bê và hậu bị 20 con.
Đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi bò sữa
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, phát triển đàn bò sữa theo hướng đảm bảo lợi nhuận kinh tế cho người chăn nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường và tăng phúc lợi xã hội, theo dự thảo Đề án phát triển đàn bò sữa giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành nhiều giải pháp thiết thực.
Trong đó, các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện trong việc thực hiện các thủ tục cần thiết như: đầu tư, quy hoạch đất đai, quản lý môi trường, cơ chế chính sách cho phát triển chăn nuôi bò sữa. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư yên tâm phát triển chăn nuôi bò sữa.
Về hình thức chăn nuôi trang trại, giai đoạn 2015-2020 thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư vào xây dựng, phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô từ 50 con bò khai thác sữa trở lên theo hướng nhà tích hợp. Thông qua đó nhằm tập trung khai thác, tiêu thụ sản phẩm sữa, đồng thời quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bê hậu bị giống, phát triển đàn bò sữa theo đúng tiến độ. Xây dựng, phát triển các trang trại trở thành trạm (câu lạc bộ) chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa như: cung cấp con giống, thức ăn, trao đổi về quản lý chăm sóc nuôi dưỡng, công tác thú y,…
Về chăn nuôi nông hộ, duy trì từ 5 bò khai thác trở lên theo hình thức nuôi nhốt, không chăn thả. Hộ chăn nuôi bò sữa được đào tạo nghề, tập huấn nâng cao về kỹ thuật chăn nuôi, theo dõi phát hiện về các bệnh sinh sản, ký sinh trùng, kiểm soát phát hiện dịch bệnh, sơ chế bảo quản sữa và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về môi trường, khuyến khích người chăn nuôi thu gom, ủ vi sinh vật để xử lý môi trường triệt để và có nguồn phân bón tốt phục vụ phát triển sản xuất trồng trọt. Chất thải lỏng được xử lý qua hệ thống Biogas, hồ khí sinh học, hệ thống ao hồ sinh học trước khi thải ra môi trường. Trồng cây xanh xung quanh trại để giảm thiểu khí thải trong chuồng nuôi.
Về kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ về con giống để tăng năng suất chăn nuôi. Trong đó, những năm đầu thực hiện nhập bò sữa thuần, bò chửa 2-3 tháng, giống HF. Phát triển tăng đàn bò sữa thông qua sử dụng tinh các giống bò sữa cao sản HF để phối với đàn bò sữa sinh sản của các trang trại, hộ chăn nuôi có bò nhập. Hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư, hộ chăn nuôi bò sữa phối giống bằng nguồn tinh phân định giới tính để chủ động tăng số lượng đàn bò sữa giống tốt, năng suất sữa cao.
Về thức ăn chăn nuôi, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng nguồn cung cấp, đa dạng hóa nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi bò. Sử dụng các giống cỏ có năng suất, chất lượng cao, giống ưu thế lai như: cỏ voi, Ghi nê, cỏ Su đăng,…Bên cạnh đó, tận dụng phụ phẩm trong trồng trọt như: rơm, thân cây ngô, mía, lạc, đậu tương, cỏ tự nhiên. Đầu tư thiết bị để thu gom, đóng bánh công nghiệp rơm, cỏ khô. Áp dụng rộng rãi các giải pháp kỹ thuật trong chế biến nâng cao giá trị sử dụng các loại thức ăn dạng phụ phẩm nông nghiệp, chế biến thức ăn công nghiệp cho bò. Đặc biệt, cung cấp thức ăn tại các thời điểm khan hiếm thức ăn xanh trong các tháng 11,12 và tháng 1 hàng năm.
Về chuồng trại, sử dụng các công nghệ tiên tiến về nguyên vật liệu trong xây dựng (tôn lạnh, tôn chống nóng, lá cọ,…), các mẫu thiết kế chuồng trại, các thiết bị máy móc, máy vắt sữa, máy nghiền cỏ, máy trộn thức ăn…để tăng cường năng suất sản xuất, năng suất lao động trong hoạt động chăn nuôi bò sữa.
Về công tác thý y, củng cố và nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở và hệ thống thông tin giám sát dịch bệnh trên đàn đàn bò sữa, đảm bảo quản lý và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn bò sữa trong quá trình xuất, nhập đàn tại trang trại, nông hộ.
Về tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các hộ đầu tư sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết hỗ trợ nhau về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thành lập hợp tác xã, nhóm, tổ hợp tác dịch vụ chăn nuôi bò sữa. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức này hoạt động, phát huy cao vai trò đối với các thành viên gồm: tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn chất lượng, trao đổi các thông tin trong và ngoài nước; tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()