Căn cứ vào chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, dân số gia tăng kết hợp với tăng trưởng kinh tế sẽ tác động đến nhu cầu lâm sản và dịch vụ lâm nghiệp. Cụ thể đến năm 2015 nhu cầu về gỗ lớn trong công nghiệp và dân dụng là trên 10,2 triệu m3, đó là chưa kể tới nhu cầu rất lớn cho ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Trong khi đó tổng nhu cầu về gỗ nhỏ các loại dùng làm nguyên liệu, gỗ trụ mỏ mới chỉ ở mức trên dưới 8 triệu m3/năm. Điểm qua vài con số để thấy rằng nhu cầu gỗ lớn cho công nghiệp, dân dụng ngày càng tăng, trong khi đó nguồn cung ngày càng thiếu hụt do các rừng tự nhiên đã cạn kiệt. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các tỉnh miền núi, trong đó có Lạng Sơn về phát triển cây gỗ lớn. Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình cây gỗ lớn trong khu sinh thái Đông Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc, Hoàng Lê Minh giới thiệu: Đó là rừng giống gỗ lớn mà Công ty đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và đưa về trồng thử nghiệm thành công gồm dổi, sồi, trám, trẩu, cáng lò…Những loài cây này có tốc độ sinh trưởng trung bình từ 1,5-2,5cm/năm, như vậy chu kỳ kinh doanh được rút ngắn lại chỉ còn 15-20 năm và giá trị kinh tế gấp rất nhiều lần so với loại gỗ nhỏ dùng làm nguyên liệu. Thực tế, trong những năm gần đây, nhân dân một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến trồng cây gỗ lớn như trồng lát, sưa…nhưng thực chất những diện tích này rất manh mún và chất lượng giống cũng chưa đảm bảo. Ví dụ điển hình là cây sưa, thời gian trước đây giá trị của loài cây này tăng cao đột biến, người dân theo phong trào mua giống trôi nổi từ các nguồn về trồng và cho đến nay, chúng tôi chứng kiến có diện tích trồng sưa, cây phân cành ngay từ… mặt đất, không đủ phẩm cấp để trở thành gỗ lớn. Thông cũng là một trong những loại cây gỗ lớn có giá trị cao với chu kỳ kinh doanh từ 15-20 năm, nhưng trên thực tế, trong tổng số diện tích 88.560ha thông của toàn tỉnh, rất ít diện tích được quy hoạch để phát triển gỗ lớn, mà hầu hết các chủ rừng đều “ăn non”. Khai thác nhựa từ khi cây còn nhỏ và không tỉa thưa theo đúng quy trình, tự làm giảm giá trị của rừng. Chu kỳ trồng cây gỗ lớn thường dài hơn gấp 2-3 lần so với trồng rừng nguyên liệu cao sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho người dân mặc dù nhận thức được về giá trị kinh tế của gỗ lớn, nhưng cũng chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất. Mặt khác thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, khiến cho nông dân gặp nhiều khó khăn để thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp, một trong những giải pháp tối ưu để lấy ngắn nuôi dài, tập trung vào các loại rừng có giá trị cao, nhưng chu kỳ kinh doanh kéo dài. Nhìn từ một hướng khác, điều này cũng phản ảnh một thực trạng là cán bộ khuyến lâm của tỉnh còn yếu và rất thiếu.
Theo kế hoạch, để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, từ nay đến năm 2015, mỗi năm toàn tỉnh sẽ trồng mới 8.000ha rừng và khoanh nuôi tái sinh 2.000ha rừng tự nhiên nghèo kiệt/năm. Với diện tích đất và tiềm năng hiện có, Lạng Sơn được đánh giá là có nhiều triển vọng để phát triển cây gỗ lớn. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi các ngành hữu quan cần phải có chiến lược phát triển ngay từ bây giờ. Kết hợp hài hòa giữa khoanh nuôi tái sinh phát triển các loài cây bản địa như lim, nghiến, lát và một số loài cây đặc hữu như hoàng đàn, trồng rừng nguyên liệu cao sản và phát triển cây gỗ lớn. Có như vậy lâm nghiệp Lạng Sơn mới có thể phát triển một cách bền vững và trở thành kinh tế thế mạnh như quan điểm của tỉnh đã xác định.
Ý kiến ()