Phát triển cây chè ở vùng cao Yên Bái
Nông dân Yên Bái thu hái chè vụ xuân 2012. Yên Bái có vùng chè tập trung với diện tích gần 12 nghìn ha, đứng thứ hai cả nước và nổi tiếng với loại chè đặc sản tuyết shan Suối Giàng chỉ sinh sống ở độ cao 1.300 m so với mặt nước biển. Với quan điểm phát triển cây chè trên cơ sở đi vào chiều sâu, lấy chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế là chính; tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh, đưa sản phẩm chè thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Thực hiện tốt liên kết công - nông, liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến, là những vấn đề đang đặt ra cho hướng phát triển cây chè ở Yên Bái trong thời gian tới.Còn bất cập trong quy hoạchVề huyện Văn Chấn vào đầu vụ chè xuân này, từ xã Tân Thịnh, Cát Thịnh, Nghĩa Tâm, Bình Thuận đến thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, dọc theo quốc lộ 37, 32 là ngút ngàn nương chè. Đó là công sức của...
Nông dân Yên Bái thu hái chè vụ xuân 2012. |
Còn bất cập trong quy hoạch
Về huyện Văn Chấn vào đầu vụ chè xuân này, từ xã Tân Thịnh, Cát Thịnh, Nghĩa Tâm, Bình Thuận đến thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, dọc theo quốc lộ 37, 32 là ngút ngàn nương chè. Đó là công sức của mấy thế hệ người dân cùng đánh gốc, bốc chè, xẻ đồi làm đường đồng mức, chăm chút cho một vùng chè luôn xanh tốt. Bắt nguồn từ những người lính giải ngũ sau giải phóng Điện Biên ở lại vùng Tây Bắc thành lập các nông trường chè. Sau đó là các đợt đi xây dựng vùng kinh tế mới của hàng nghìn hộ dân từ Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định… lập nên vùng chè tập trung, chất lượng cao. Sản phẩm chè đen của huyện tham gia xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Hiện tại, toàn huyện Văn Chấn có 4.354 ha chè (chiếm một phần ba diện tích của cả tỉnh Yên Bái), năng suất bình quân đạt hơn 97 tạ/ha; tổng giá trị chè búp tươi năm 2011 đạt hơn 150 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 25 nghìn lao động nông thôn miền núi và bảo đảm đời sống cho hơn 70 nghìn nhân khẩu trong huyện.
Nhưng, từ một nhà máy chè công suất 42 tấn/ ngày được đánh giá hiện đại và lớn nhất phía bắc, đến nay trên địa bàn huyện Văn Chấn có 60 nhà máy, cơ sở tham gia chế biến chè, tổng công suất đạt hơn 740 tấn búp tươi/ngày ( gấp 3,5 lần so với khả năng đáp ứng của vùng nguyên liệu), Ngoài ra còn có hàng nghìn lò quay tay mi-ni trong các hộ dân làm chè xanh. Từ những lộn xộn trong việc bung ra quá mức các cơ sở chế biến, khiến cứ mỗi lần vào vụ sản xuất chè là tình trạng tranh mua, tranh bán chè búp tươi diễn ra gay gắt. Do chạy theo lợi nhuận, người làm chè đã không tuân thủ quy trình hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bị dư luận lên án.
Trước thực trạng nói trên, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp làm chuyển biến trong các khâu đầu tư trồng, chăm sóc, thu hái chè đến quản lý, đầu tư chế biến và xây dựng thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh chè từ khâu sản xuất chè búp, thu mua, chế biến, kinh doanh chè đã được thiết lập lại trật tự, bảo đảm theo hướng bền vững. Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn Phan Văn An cho biết: Được cổ phần hóa từ năm 2000, hiện công ty có 246 ha chè, để có thêm sản phẩm, đơn vị đã liên kết với 631 hộ nông dân thuộc ba xã trong vùng để tăng thêm 250 ha chè, cho nên cơ bản đủ nguyên liệu sản xuất. Thực hiện Quyết định 80/CP về liên kết “bốn nhà”, công ty đã bao tiêu sản phẩm và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cam kết về giá, phẩm cấp chè búp tươi có sự quản lý của Nhà nước, chống phá vỡ hợp đồng, hạn chế thấp nhất nợ xấu trong dân. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn trong 5 năm (2006- 2011) dành gần 250 tỷ đồng vốn cho vay trong ngành chè, bao gồm: phục vụ thu mua chè búp 170 tỷ đồng; cải tạo trồng mới 70 tỷ đồng; mua sắm, đổi mới công nghệ chế biến 10 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn nói trên được cho vay với lãi suất thỏa thuận, cho vay tín chấp với các công ty cổ phần, cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, người dân vùng chè đã có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn miền núi có chuyển biến rõ nét.
Xây dựng thương hiệu gắn chế biến sâu
Thiên nhiên ban tặng cho vùng chè tuyết shan Suối Giàng, nơi nổi tiếng cả nước với loại chè được chọn hái từ những cây chè cổ thụ hoang dã. Đây là giống chè lá to, vào mùa xuân búp non được che phủ bằng một lớp tuyết trắng khá dày, do đó được biết đến với biệt danh “chè tuyết” trong những lứa hái đầu. Vùng chè này không bón bất cứ loại phân vô cơ nào, cho nên chất lượng sản phẩm sạch, hương vị thơm ngon, mầu sắc sóng sánh như mật ong, uống vào đến đâu cơ thể bạn cảm nhận được đến đó bởi vị ngọt chát. Thời gian tới, Yên Bái sẽ chính thức đề cử chè Suối Giàng là thương hiệu chính cho vùng chè của mình. Để có chất lượng chè thương phẩm tốt, phải có vùng nguyên liệu ổn định, thực hiện đúng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VIETGAP) cho cây chè. Tỉnh Yên Bái chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án chè phối hợp các địa phương sử dụng phương pháp giâm cành, hệ thống vườn ươm được quản lý cấp chứng chỉ chất lượng, khi đạt tiêu chuẩn mới được xuất vườn, hom giống được lấy từ các vườn gốc đã được cấp có thẩm quyền công nhận. Tại vùng chè Nậm Búng, Gia Hội, nơi trồng hàng trăm ha chè tuyết shan theo phương pháp giâm cành mật độ dày, các hom giống lấy từ thân cây mẹ được chọn trong số 85 nghìn cây chè cổ thụ Suối Giàng, có độ tuổi hơn 400 năm, hiện đang cho thu hoạch tốt. Từ việc trồng thành công giống chè tuyết shan này, số diện tích chè nhập nội như: chè xanh Bát Tiên tại Trấn Yên, Phúc Vân Tiên tại Lục Yên, chè ô-long Kim Tuyên tại thị trấn nông trường Trần Phú được trồng tập trung, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa, có thương hiệu trên thị trường.
Trưởng thành từ kỹ sư nông nghiệp, có 5 năm là cán bộ quản lý Nhà máy chè Tân Trào, rất am hiểu về cây chè, nay nhận nhiệm vụ mới làm người đứng đầu tỉnh Yên Bái, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Chiến trăn trở với sự thăng trầm của loại cây này, và kết quả là nông dân trong tỉnh hằng năm cho thu hái hơn 90 nghìn tấn chè búp; doanh thu chế biến đạt hơn 420 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 25 tỷ đồng. Nói về định hướng phát triển vùng chè Yên Bái, đồng chí cho biết: Thời gian tới, tỉnh kiên quyết quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến; trong đó chú trọng phát triển theo cơ cấu 70% diện tích trồng chè đen xuất khẩu, 30% là chè xanh và chè đặc sản dành cho tiêu dùng trong nước. Trước mắt, tỉnh tiếp tục đề ra chính sách khuyến khích trồng mới chu kỳ 2 đối với chè trung du, trong đó lấy các nông trường làm nòng cốt; tập trung cán bộ khuyến nông xuống cơ sở hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, thu hái đúng quy trình khoa học theo kiểu “một tôm hai lá, một cá hai chừa”. Đối với giống chè nhập nội cần có cách chăm sóc khoa học hơn và cần giao cho những đơn vị, cá nhân có điều kiện phát triển, không làm kiểu trồng xen manh mún, chạy theo thành tích. Trong chế biến, cần lựa sức mình để chọn hướng xuất khẩu là chính, đi đôi với quảng bá thương hiệu gắn với củng cố vùng chè tuyết shan gốc ở Suối Giàng, Suối Quyền, Nậm Mười, nhằm đưa cây chè trở thành cây xóa đói, giảm nghèo trong cơ cấu giống, cây, con ở địa phương.
Cây chè là cây nghĩa tình, gắn bó nhiều thế hệ với người nông dân ở Yên Bái. Và nói như Phó Tổng Giám đốc Công ty Chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài, thì để tạo cơ chế, chính sách phát triển loại cây đặc sản này, rất cần sự liên minh công – nông trong ngành chè, từ việc trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, tránh việc “hớt ngọn” của nhau, gây thiệt thòi cho người nông dân, bởi nếu người dân làm chè quay lưng lại thì doanh nghiệp sẽ hết sức lao đao. Bài toán liên kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu cần sớm có lời giải. Ví như Hiệp hội chè Yên Bái cần tăng cường hoạt động hiệu quả hơn nữa, nhằm công khai hóa các lợi nhuận, bảo vệ quyền lợi cho người làm chè, chống bán phá giá, chống vấn nạn chè mất vệ sinh an toàn thực phẩm vốn thường tái diễn. Có vậy, cây chè Yên Bái mới trở thành cây làm giàu trên vùng Tây Bắc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()