Phát triển cây cao-su trên đất Lào
Công nhân khai thác mủ cao-su. Năm 2004, thực hiện Chương trình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào, nhất là chủ trương sang giúp nước bạn Lào, Công ty Cổ phần Đầu tư cao-su Đác Lắc (DRI) được cấp phép thực hiện dự án trồng hơn 10.000 ha cao-su tại bốn tỉnh nam Lào gồm Chăm-pa-xắc, Xa-la-van, Xê-kông và Át-ta-pư.Sau tám năm hoạt động, Công ty TNHH Cao-su Đác Lắc tại Lào (DAKLAORUCO) bước đầu đã hoàn thành các mục tiêu của dự án, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao đời sống của bà con các bộ tộc Lào trong vùng dự án; đồng thời tô đẹp thêm mối quan hệ mật thiết, son sắt, thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt - Lào anh em.Đổi đời nhờ làm công nhân cao-suTrong những ngày cuối tháng 8, chúng tôi cùng Tiến sĩ Huỳnh Văn Khiết, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc DRI kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty DAKLAORUCO sang thăm Dự án trồng cao-su tại bốn tỉnh nam Lào. Đi giữa bạt ngàn cao-su xanh tốt thuộc Nông trường 1...
Công nhân khai thác mủ cao-su. |
Sau tám năm hoạt động, Công ty TNHH Cao-su Đác Lắc tại Lào (DAKLAORUCO) bước đầu đã hoàn thành các mục tiêu của dự án, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao đời sống của bà con các bộ tộc Lào trong vùng dự án; đồng thời tô đẹp thêm mối quan hệ mật thiết, son sắt, thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt – Lào anh em.
Đổi đời nhờ làm công nhân cao-su
Trong những ngày cuối tháng 8, chúng tôi cùng Tiến sĩ Huỳnh Văn Khiết, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc DRI kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty DAKLAORUCO sang thăm Dự án trồng cao-su tại bốn tỉnh nam Lào. Đi giữa bạt ngàn cao-su xanh tốt thuộc Nông trường 1 của công ty tại bản Mây, huyện Ba-chiêng, tỉnh Chăm-pa-xắc, Tiến sĩ Huỳnh Văn Khiết không giấu được sự xúc động bởi ông chính là một trong những người đầu tiên lặn lội sang đây tìm đất trồng cao-su. Với tất cả kinh nghiệm sau hơn 30 năm trồng cao-su ở Đác Lắc, ông đã đem sang đây áp dụng nên chỉ sau tám năm đã biến vùng đất hoang vu thuộc bốn tỉnh nam Lào trở thành vùng đất bạt ngàn cao-su xanh tốt.
Giữa vườn cao-su xanh tốt vươn lên trong nắng sớm, Tiến sĩ Huỳnh Văn Khiết bồi hồi nhớ lại: “Những ngày đầu đặt chân sang đất bạn trồng cao-su, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, như bà con địa phương thiếu niềm tin ở cây cao-su; đội ngũ cán bộ, kỹ sư công ty phải ăn, nghỉ trong điều kiện rất khó khăn, địa bàn phức tạp, núi rừng hẻo lánh, giao thông hiểm trở, về mùa mưa giao thông có lúc bị cô lập. Để đến được những bản làng này cán bộ, nhân viên công ty phải mất vài ngày đường vượt rừng, lội suối… Trong buổi đầu gian lao ấy, nhiệm vụ đặt ra cho cán bộ, nhân viên công ty là làm sao để bà con các bộ tộc Lào trong vùng dự án tin tưởng vào hiệu quả của việc trồng cây cao-su để ủng hộ dự án. Vượt qua muôn vàn khó khăn, từ tuyên truyền, vận động đến giải thích, đưa bà con đi tham quan mô hình trồng cao-su ở Việt Nam… dần dần bà con đã hiểu ra, tin tưởng những gì chúng tôi đang làm và hết lòng, hết sức ủng hộ công ty triển khai dự án. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của Chính phủ, chính quyền các cấp, các ban, ngành nước bạn Lào nên cán bộ, nhân viên công ty hết sức phấn khởi và nỗ lực hết mình dự án mới thành công như ngày hôm nay”. Đến nay công ty đã trồng được hơn 9.000 ha cao-su, trong đó có gần 3.000 ha đã cho khai thác với sản lượng mủ đạt tám tấn/ngày. Ngoài ra, công ty còn trồng được hơn 541 ha điều, 307 ha cà-phê đã cho thu hoạch, năm 2011 sản lượng đạt 160 tấn hạt điều khô và 780 tấn quả cà-phê tươi… Do đặc điểm của các tỉnh nam Lào có nhiều thuận lợi như đất đai chủ yếu là đất đỏ ba-dan màu mỡ, thời tiết ít gió vào mùa khô, mùa mưa kéo dài đến tám tháng trong năm và độ cao trung bình chỉ 250 m so với mặt nước biển… nên cây cao-su sinh trưởng và phát triển tốt, chỉ đến năm thứ sáu đã cho cạo mủ. Năng suất mủ cũng rất cao. Nhà máy chế biến mủ cao-su với công suất 13.000 tấn/năm cũng được xây dựng, trị giá ba triệu USD tại huyện Ba-chiêng, tỉnh Chăm-pa-xắc đã đi vào hoạt động và trong những năm tới, khi toàn bộ diện tích cao-su của dự án đưa vào khai thác, công ty tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một nhà máy chế biến mủ cao-su với công suất 10.000 tấn/năm tại khu vực huyện Lao-nam, tỉnh Xa-la-van để chế biến toàn bộ số mủ khai thác được phục vụ xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Phó Giám đốc Công ty DAKLAORUCO Đinh Huy Chương phấn khởi cho biết: Đến nay, chúng tôi đã có bốn nông trường, hai đội sản xuất, bốn trạm y tế, một nhà máy chế biến mủ cao-su với đầy đủ cơ sở vật chất khang trang. Xác định nguồn lực chính của công ty là người lao động ở địa phương cho nên thời gian qua, công ty luôn chú trọng đào tạo, mở các khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trẻ; mở các lớp đào tạo thợ lái máy; kỹ thuật ghép cao-su, thợ cạo mủ cao-su… và tuyển dụng, giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động ở địa phương. Hiện công ty có 903 công nhân lao động trực tiếp, trong đó có 655 công nhân người Lào với mức thu nhập từ 1,5 đến hai triệu kíp/người/tháng (tương đương bốn đến năm triệu đồng).
Anh Bun My, 29 tuổi, ở bản Mây, huyện Ba-chiêng, tỉnh Chăm-pa-xắc làm công nhân khai thác đội 2, Nông trường 1 hồ hởi kể: “Trước khi làm công nhân cho Công ty TNHH Cao-su Đác Lắc, vợ chồng tôi chỉ làm nương rẫy, trồng lúa… không đủ cái ăn, cuộc sống hết sức khó khăn. Từ khi vào làm công nhân của công ty từ năm 2005 đến nay, vợ chồng tôi luôn được các cán bộ, công nhân Việt Nam trong đội và nông trường giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây, khai thác mủ cao-su nên thu nhập luôn ổn định từ 2,5 đến 3 triệu kíp/người/tháng (tương đương sáu đến bảy triệu đồng). Nhờ đó, vợ chồng tôi không chỉ sửa sang được nhà cửa, nuôi con cái học hành chu đáo, mua sắm được xe máy, ti-vi, tủ lạnh… mà mỗi tháng còn tích lũy được hơn hai triệu kíp phòng khi đau ốm và sau này xây dựng nhà mới”.
Ông Phây Văn, Trưởng bản Noong Bua, huyện Ba-chiêng, tỉnh Chăm-pa-xắc cho biết: Cả bản có 80 nóc nhà với 93 gia đình, trước đây cuộc sống của bà con trong bản hết sức khó khăn. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp nhưng do phong tục, tập quán lạc hậu nên năng suất cây trồng rất thấp; tác phong lao động cũng rất “đủng đỉnh” mỗi ngày chỉ làm vài tiếng đồng hồ nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Từ khi Công ty TNHH Cao-su Đác Lắc triển khai dự án trồng cao-su trên địa bàn, ngoài việc nhận lao động ở địa phương vào làm công nhân, công ty còn đầu tư làm đường giao thông, kéo điện thắp sáng, xây dựng trường học, trạm y tế… cho địa phương nên người dân trong bản hết sức phấn khởi.
Chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội
Cùng với triển khai dự án đúng tiến độ và hiệu quả, DAKLAORUCO luôn chú trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người dân trong vùng dự án. Tính đến thời điểm hiện nay, công ty đã đầu tư xây dựng hơn 200 công trình, hạng mục cơ bản trong vùng dự án như trụ sở làm việc, nhà ở cho tập thể cán bộ, công nhân, công trình giao thông nội đồng, hệ thống điện, công trình nước sạch, trường học, trạm y tế… Trong đó, riêng các công trình phúc lợi xã hội cho các bản trong vùng dự án với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ kíp (hơn 11 tỷ đồng). Các công trình đều được xây dựng bảo đảm chất lượng, đưa vào sử dụng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty và nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, học tập, khám, chữa bệnh của nhân dân trong vùng dự án. Điển hình là trong lĩnh vực giáo dục, do các bản làng đều nằm xa trung tâm huyện, nhiều trường học còn tạm bợ, xuống cấp, thiếu cơ sở vật chất phục vụ dạy và học… Vì vậy, từ năm 2007 đến nay, công ty đã đầu tư xây dựng được ba trường tiểu học, trong đó một trường tại bản Mây, huyện Ba-chiêng, tỉnh Chăm-pa-xắc; một trường tại bản Van-kha-nan, huyện Lao-ngam, tỉnh Xa-la-van; hỗ trợ xây dựng trường Hữu nghị Việt kiều tại tỉnh Chăm-pa-xắc, đồng thời hỗ trợ cho nhiều trường học trong vùng dự án xây dựng, sửa chữa nhà làm việc cho ban giám hiệu nhà trường, nhà nội trú cho giáo viên và học sinh, mua sắm bàn ghế, xây dựng thư viện, tường rào… với tổng số tiền hơn 660 triệu kíp (hơn 1,6 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty còn cấp tám suất học bổng cho các du học sinh Lào học đại học trong nước và tại Việt Nam; hằng năm vào dịp tổng kết năm học, công ty phối hợp các bản, các trường trong vùng dự án tặng thưởng hàng nghìn suất quà cho giáo viên và các em học sinh nghèo học giỏi, nhằm động viên, khích lệ tinh thần học tập của con em dân bản.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn do hầu hết các bản trong vùng dự án đều nằm xa trung tâm y tế huyện hàng chục km, giao thông đi lại hết sức vất vả. Trong khi đó, một số dân tộc ở địa phương còn tồn tại các phong tục, tập quán lạc hậu, chưa biết tự phòng bệnh cho mình và cộng đồng, khi có người đau ốm không đưa đến trạm y tế mà tin vào thầy cúng, thổi bùa… Từ thực tế đó, ngay từ ngày đầu triển khai thực hiện dự án, công ty đã đầu tư xây dựng tại bốn nông trường bốn trạm y tế, mỗi trạm có diện tích rộng gần 200 m2, có hai cán bộ y tế và được trang bị đầy đủ các dụng cụ y tế cũng như các loại thuốc phục vụ khám, chữa bệnh. Cũng như công nhân công ty, người dân địa phương khi đau ốm đến trạm y tế khám, chữa bệnh, đều được cấp phát thuốc miễn phí.
Y sĩ Huỳnh Văn Triệu, phụ trách trạm y tế bản Mây, Nông trường 1, huyện Ba-chiêng cho biết: “Từ khi thành lập vào năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm các cán bộ y tế của trạm khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người dân trong vùng dự án với tổng kinh phí 50 triệu kíp/năm (tương đương 125 triệu đồng). Ngoài khám, chữa bệnh tại trạm, cán bộ y tế của trạm thường xuyên xuống các bản làng trong vùng dự án, trong đó có những bản ở xa phải mất vài ngày đường vượt rừng, lội suối mới đến nơi để tư vấn, tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện tốt công tác vệ sinh, phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho dân bản…”.
Trong những chuyến về các bản làng khám, chữa bệnh, cán bộ các trạm y tế của công ty đã kịp thời phát hiện, cứu sống nhiều người dân trong tình trạng nguy kịch. Cho đến bây giờ, người dân ở bản Noong-pha-hét, huyện Pa-thum-pho-ne, tỉnh Chăm-pa-xắc vẫn nhớ câu chuyện xảy ra vào ngày 16-5-2008. Khi đó có bốn người tên là Peng, Ti, Nọi, Néc bị trúng độc do ăn phải nấm độc hái ở rừng về. Chất độc làm cả bốn người vật vã, nôn mửa, đi ngoài nhiều. Do phong tục tập quán bà con không đưa đến trạm y tế mà mời thầy cúng đến chữa trị để đến khi người bệnh bị tái tím, hơi thở yếu, gia đình nghĩ đã chết nên đem đi chôn. Khi xuống bản, Giám đốc Nông trường 3 kịp thời phát hiện sự việc và điều động nhân viên y tế Trần Thư Trung nhanh chóng đến gia đình tuyên truyền, vận động và đưa về trạm y tế chữa trị. Sau một giờ tích cực chữa trị, các bệnh nhân dần dần phục hồi và năm ngày sau các bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường.
Ngoài những việc làm thắm đượm nghĩa tình trên, từ tháng 5-2012 đến nay, công ty còn thực hiện chính sách đối với công nhân Lào. Theo đó, hằng tháng ngoài tiền lương, mỗi lao động chính còn được cấp 18 kg gạo cùng đường, muối, bột ngọt, bột giặt mỗi loại một kg, đồng thời mỗi lao động chính có một người ăn theo còn được cấp thêm tám kg gạo, tương đương 25 USD/người/tháng. Tiến sĩ Huỳnh Văn Khiết tâm sự: Việc thực hiện chính sách này nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người lao động Lào làm việc cho công ty và gia đình họ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giúp người lao động Lào gắn bó lâu dài với công ty và bảo đảm cuộc sống ngay tại quê hương mình.
Sang đất nước Triệu Voi tươi đẹp, được đến thăm những vườn cao-su bạt ngàn xanh tốt, những nhà máy, công trình phúc lợi xã hội, những bản làng của bà con các bộ tộc Lào trong vùng dự án trồng cao-su của DRI, chúng tôi có thể khẳng định dự án không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống của nhân dân các bộ tộc Lào trong vùng dự án, đồng thời tô thắm thêm mối quan hệ mật thiết, son sắt, thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt – Lào.
Theo Nhandan
Ý kiến ()