Phát triển cây cao-su ở vùng đất Bình - Trị - Thiên
Cán bộ Đoàn kinh tế quốc phòng 79 hướng dẫn thanh niên Vân Kiều kỹ thuật trồng cây cao-su. Cây cao-su được trồng tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng phải đến đầu thập niên 90, phong trào trồng loại cây này mới phát triển mạnh mẽ và dần trở thành điểm tựa xóa đói, giảm nghèo cho các địa phương.Tuy nhiên, việc trồng cây cao-su ồ ạt, tự phát gần đây không mang lại hiệu quả. Điều đó đòi hỏi ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần nghiên cứu, thực hiện quy hoạch và phát triển một cách khoa học, hợp lý và bền vững.Cây xóa đói, giảm nghèoHiện ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có hơn 40 nghìn ha cao-su, tập trung ở các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình); Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa (Quảng Trị) Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Cao-su được trồng ở vùng gò đồi, chân núi, thung lũng dọc theo dãy Trường Sơn. Riêng ở Quảng Trị...
Cán bộ Đoàn kinh tế quốc phòng 79 hướng dẫn thanh niên Vân Kiều kỹ thuật trồng cây cao-su. |
Tuy nhiên, việc trồng cây cao-su ồ ạt, tự phát gần đây không mang lại hiệu quả. Điều đó đòi hỏi ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần nghiên cứu, thực hiện quy hoạch và phát triển một cách khoa học, hợp lý và bền vững.
Cây xóa đói, giảm nghèo
Hiện ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế có hơn 40 nghìn ha cao-su, tập trung ở các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình); Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa (Quảng Trị) Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên – Huế). Cao-su được trồng ở vùng gò đồi, chân núi, thung lũng dọc theo dãy Trường Sơn. Riêng ở Quảng Trị có chừng 500 ha được trồng trên vùng đất đỏ ba-dan ven biển thuộc hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Sau bảy năm trồng và chăm sóc, cao-su bắt đầu cho khai thác với sản lượng tăng dần. Sản lượng cao-su mủ tươi ở vùng đất Bình – Trị – Thiên chỉ đạt 1,2 tấn/ha/năm (thấp hơn năng suất cao-su ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, bình quân 1,5 tấn/ha/năm). Tuy nhiên, với người dân, mỗi ha cao-su đến kỳ thu hoạch, cho thu nhập từ 20 đến 22 triệu đồng/tháng, trừ chi phí còn lãi từ 12 đến 15 triệu đồng là cả một khoản tiền lớn đối với người nông dân vùng đất nghèo khó này. Những hộ có từ hai đến ba ha cao-su khai thác là thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển và chỉ sau vài năm đã trở nên khá giả. Đối với vùng miền núi và nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cao-su đã thật sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất. Ông Hồ Di, dân tộc Cà Tu ở xã Hương Sơn, huyện Nam Đông (Thừa Thiên – Huế) cho biết: “Nhà mình có năm ha cao-su hơn 10 năm tuổi, mỗi ngày bán mủ tươi cho nhà máy được hơn hai triệu đồng. Tính ra, mỗi năm gia đình thu nhập hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn trăm triệu đồng. Nhờ đó mới đủ tiền nuôi con học đại học, cao đẳng, trong nhà sắm đủ ti-vi, xe máy, tủ lạnh…”. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thừa Thiên – Huế Hoàng Hữu Hòe khẳng định: “Tỉnh có sáu xã là Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Lộ, Hương Sơn và Hương Phú (huyện Nam Đông) và Hương Bình (huyện Hương Trà) trước đây được hưởng chính sách ưu tiên đầu tư vùng đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135, sau nhiều năm phát triển cây cao-su, đến khi khai thác mang lại hiệu quả cao, cuộc sống người dân khấm khá hẳn, nhiều hộ giàu lên, chính quyền xã và người dân đồng thuận tự nguyện rút khỏi đối tượng thuộc diện Chương trình 135 của Chính phủ, để ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương khác”.
Tuy nhiên, cây cao-su có tán lá dày, rễ mọc ngang là chủ yếu, cành giòn cho nên dễ gãy đổ khi có gió bão. Mặt khác, cao-su khi bị hư hại gần như không thể phục hồi. Ở vùng đất miền trung, nhất là ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế lại là nơi thiên tai khắc nghiệt, năm nào cũng hứng chịu từ ba đến bốn cơn bão, kèm theo là mưa lũ lớn, ở nhiều vùng thường xuyên xảy ra lốc xoáy, sạt lở. Gần đây nhất, cơn lốc lớn ngày 30-9-2011 làm gãy đổ hơn 74 ha cao-su đang cho mủ ở ba xã ven biển của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), thiệt hại ước tính gần một trăm tỷ đồng. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về giải pháp bảo vệ an toàn cho vườn cao-su, Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình Trần Đình Hiệp cho biết: Chúng tôi đã đề ra ba giải pháp bảo đảm phát triển an toàn cây cao-su. Đó là về quy hoạch, sẽ chỉ trồng cao-su ở những vùng gò đồi sâu trong đất liền, tránh vùng ven biển là nơi dễ bị gió bão gây hại. Về độ dốc, khuyến cáo các doanh nghiệp và người dân chọn vùng đất tương đối bằng phẳng, sườn dốc không quá 13 độ. Tiếp đến là kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc. Theo khuyến cáo của Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam, nên chọn giống cao-su tán thấp, thân to và rễ sâu, khi trồng phải hướng mắt ghép về hướng đông hoặc đông bắc để tránh gió gây tổn thương cây con, mật độ cây chỉ ở mức 550 cây/ha.
Đồng quan điểm đó, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Văn Bài nhấn mạnh: Giải pháp hàng đầu vẫn là tạo vành đai rừng phòng hộ chắn gió, thông thường là rừng tự nhiên, hoặc các loại cây chống chịu gió như phi lao, tre, keo lá tràm… Tuy nhiên, qua theo dõi nhiều năm, chúng tôi nhận thấy, rừng phòng hộ cũng chỉ có tác dụng với gió bão cấp 9 trở xuống. Khi bão cấp 12 trở lên, hoặc lốc xoáy thì không có cây gì đứng vững. Cây cổ thụ, nhà xây kiên cố còn không chịu đựng được, huống hồ rừng trồng. Riêng ở Quảng Trị, còn một số diện tích cao-su ở vùng đông Vĩnh Linh và Gio Linh, hầu như năm nào cũng bị gió bão gây thiệt hại. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên phát triển cao-su. Nhưng đất thì đã giao cho dân chủ động sản xuất, người dân tính toán, thông thường bão lớn khoảng 20 năm một lần. Nếu không bị bão, thì chỉ sau năm đến bảy năm cao-su cho mủ là thu hồi vốn. Với thời điểm hiện tại, không có cây gì hiệu quả hơn cao-su ở vùng gò đồi, cho nên người dân vẫn tiếp tục trồng. Vì thế, chỉ có thể khuyến cáo chứ không áp dụng biện pháp bắt buộc người trồng cao-su phải chuyển sang cây trồng khác. Đối với những vườn cao-su bị gãy đổ do bão, lốc, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn cho bà con nông dân, nếu tỷ lệ cây gãy đổ quá 50% và gãy sát gốc đành chặt bỏ, trồng lại. Với những diện tích có khả năng phục hồi thì tiến hành các phương pháp kỹ thuật để giúp cây tái sinh.
Phát triển một cách bền vững
Chúng tôi tìm hiểu phát triển trồng cao-su tại các vùng trọng điểm của cả ba tỉnh, chỉ các doanh nghiệp “đại điền” là thực hiện khá đầy đủ các yếu tố kỹ thuật theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp. Còn những vùng cao-su “tiểu điền”, các yếu tố kỹ thuật chưa được coi trọng đúng mức. Tại Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình), để tận dụng quỹ đất, người dân trồng cao-su ở tất cả những nơi có thể trồng được, mà không quan tâm việc trồng cây tạo vành đai cản gió, chắn gió,
đề phòng khi có bão xảy ra; cây trồng quá dày, có nơi hàng cách hàng chỉ 4 m, cây cách cây chỉ
2 đến 2,5 m, mật độ từ 560 đến hơn 600 cây/ha. Cây cao-su phải tranh nhau ánh sáng mặt trời cho nên thân nhỏ, cành lá đan xen nhiều, tạo nên sức cản gió lớn khiến cây dễ dàng gãy đổ khi gặp bão, lốc xoáy. Ngoài ra, nhiều hộ dân khai thác cao-su chạy theo lợi nhuận cho nên cạo mủ theo kiểu “vắt kiệt” (cạo mủ sáu ngày mới nghỉ một ngày), trong khi quy trình kỹ thuật yêu cầu phải cạo hai ngày, nghỉ một ngày, thì cây mới có sức chống chịu được gió bão. Chị Nguyễn Thị Hưng, ở xã Hương Hòa, huyện Nam Đông, Thừa Thiên – Huế bộc bạch: Gia đình khó khăn, thiếu tiền cho con ăn học cho nên đành mở miệng khai thác mủ sớm, khi cao-su mới chỉ được năm đến sáu năm tuổi. Biết làm thế cây sẽ yếu, phát triển chậm và dễ gãy đổ, sâu bệnh, nhưng biết làm sao được!
Để bảo vệ, tránh thiệt hại do bão lốc gây hư hại vườn cao-su trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương các tỉnh nói trên đang triển khai định hướng và quy hoạch tổng thể cho phát triển cao-su những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung phát triển cao-su ở vùng gò đồi, vùng thung lũng dọc dãy Trường Sơn, hạn chế và tiến tới bỏ hẳn việc trồng cây cao-su ở vùng ven biển; đẩy mạnh việc hướng dẫn các hộ dân và doanh nghiệp trồng cao-su, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật, từ khâu chọn địa hình, làm đất, chọn giống, nhất là phải chú trọng hơn việc trồng rừng làm vành đai bảo vệ vườn cao-su. Các hộ bắt đầu trồng mới không chạy theo số lượng, trồng cây
cao-su với mật độ dày, nhiều nhất chỉ 555 cây/ha. Khuyến cáo các hộ dân có diện tích cao-su đang trong thời kỳ lấy mủ cần khai thác đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm sức chống chịu cho vườn cây, không nên vì lợi ích trước mắt mà khai thác theo kiểu “vắt kiệt” như một số hộ vẫn làm.
Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 (Binh đoàn 15) Đại tá Nguyễn Văn Quốc cho biết: Đơn vị được tỉnh Quảng Bình giao 3.600 ha đất rừng nghèo kiệt vùng tây huyện Lệ Thủy để trồng cao-su. Đây là vùng khá kín gió, đơn vị chọn những vùng độ dốc không quá 18%, triển khai dọn đất, đào hố trồng đúng theo quy trình kỹ thuật. Ông Quốc cho biết thêm: Đơn vị chọn các loại giống cây cao-su mới, ưu việt và phù hợp ở miền trung như: RIM 600, PB 260, PB 255, PB 235… vừa rút ngắn thời gian khai thác, cho sản lượng mủ cao, chịu được sức gió. Mặc dù chi phí cao hơn từ hai đến ba lần, nhưng vẫn sử dụng cây giống ươm trong bầu, chứ không trồng giống trần, cây sẽ nhanh ổn định và phát triển, chống chịu được mưa rét, gió bão… Quy trình kỹ thuật cũng được thay đổi, từ trồng hàng song song sang trồng hàng theo địa hình, theo hướng gió, để tạo khoảng trống cho gió lùa… Ở những vùng không kín gió sẽ không để cây cao-su phát triển quá cao, có thể cắt ngọn khi cây đã lên từ 2 đến 3 m. Giữa các vườn cao-su, sẽ giữ lại rừng tự nhiên và khoanh nuôi tái sinh để tạo vành đai chắn gió khá hiệu quả. Đồng thời, đơn vị đang đề nghị địa phương thực hiện một số đề tài khoa học về an toàn cho cây cao-su như ứng dụng một số giải pháp trồng cao-su chịu gió của nước ngoài, phục hồi và tái sinh rừng cao-su bị hư hại do bão lũ…
Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Nguyễn Công Phán, khẳng định: Với lợi thế vùng đất đỏ ba-dan, hiện huyện đang đứng đầu về diện tích cao-su và tiếp tục trồng, phấn đấu đến năm 2015, có 5.500 ha cao-su tiểu điền để tạo ra bước đột phá về nông nghiệp hàng hóa. Cam Lộ cũng đang xúc tiến lập Quỹ Bảo hộ nông nghiệp và hình thành Hiệp hội những người trồng cao-su, bao gồm cả người trồng, doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu. Khi có hiệp hội, người trồng cao-su tham gia đóng góp, quản lý nguồn quỹ, được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, giống cây và đầu ra cho sản phẩm. Mô hình hiệp hội cũng đã hình thành và đi vào hoạt động ở một số địa phương, nhưng vẫn mang tính tự phát là chủ yếu, vì thế chưa nhận được sự hỗ trợ đúng mức về vốn, kỹ thuật, nhất là chưa tiếp cận được với doanh nghiệp bảo hiểm để phòng tránh rủi ro. Giám đốc Bảo Việt Quảng Trị Lưu Hữu Lục, lý giải: Cao-su của người dân trồng bằng nhiều nguồn vốn, chi phí khác nhau nên việc tính toán chi phí và giá trị bảo hiểm rất khó. Mặt khác, miền trung thường xuyên có bão, lũ, lốc xoáy, cây cao-su lại kém chống chịu thiên tai cho nên chưa có doanh nghiệp bảo hiểm nào dám đứng ra làm thí điểm khi chưa có sự hỗ trợ, bảo lãnh từ chính quyền địa phương.
Cây cao-su đã và đang chứng tỏ hiệu quả cao trong khai thác tiềm năng đất đai vùng gò đồi ở các tỉnh bắc miền trung. Việc phát triển cao-su từng bước giúp địa phương và người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, giúp giảm nhanh số hộ đói nghèo. Việc phát triển bền vững cây cao-su ở Bình – Trị – Thiên nói riêng, các tỉnh miền trung nói chung cần có sự chung tay góp sức của chính quyền, ngành nông nghiệp, Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam và của chính người dân, để những cánh rừng cao-su luôn xanh tốt, để “dòng nhựa quý” của cao-su thật sự là “vàng trắng” trên đất lửa, như ao ước của cô gái trẻ Hồ Thị Hoàng, dân tộc Vân Kiều ở bản Rào Đá (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), vừa được tuyển vào làm công nhân cao-su của Đoàn Kinh tế quốc phòng 79: “Trồng được cao-su ở đây, không chỉ chúng em mà bà con dân tộc cả vùng rừng núi này cũng sẽ đổi đời”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()