LSO-Trên địa bàn tỉnh ta, địa phương hình thành các vùng cây, quả tập trung và rõ rệt nhất có lẽ là huyện Cao Lộc: Vùng cây ăn quả, vùng cây công nghiệp ngắn ngày, vùng cây thực phẩm… Riêng cây ăn quả gồm cây đặc sản quýt, hồng không hạt tập trung ở các xã Bảo Lâm, Thanh Lòa, Lộc Yên, Thụy Hùng, Yên Trạch; cây đào ở xã Công Sơn; mơ, mận Hòa Cư, Hải Yến; mác mật Hồng Phong… Những vùng cây ăn quả đó được huyện thường xuyên quan tâm, quy hoạch, nhân dân duy trì và phát triển. Trong những năm qua, có thể nói, cây ăn quả đã góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn toàn huyện. Tham quan mô hình hồng không hạt xã Lộc Yên (Cao Lộc)Vào mùa mận, trên các nẻo đường từ Hải Yến, Hòa Cư ra chợ, ngày nào nhân dân cũng kĩu kịt đầy gánh mận đi bán. Mặc dù đây chỉ là cây trồng tận dụng đất, nhưng được nhân dân quan tâm trồng và chăm sóc, nó đã đem lại thu...
LSO-Trên địa bàn tỉnh ta, địa phương hình thành các vùng cây, quả tập trung và rõ rệt nhất có lẽ là huyện Cao Lộc: Vùng cây ăn quả, vùng cây công nghiệp ngắn ngày, vùng cây thực phẩm…
Riêng cây ăn quả gồm cây đặc sản quýt, hồng không hạt tập trung ở các xã Bảo Lâm, Thanh Lòa, Lộc Yên, Thụy Hùng, Yên Trạch; cây đào ở xã Công Sơn; mơ, mận Hòa Cư, Hải Yến; mác mật Hồng Phong… Những vùng cây ăn quả đó được huyện thường xuyên quan tâm, quy hoạch, nhân dân duy trì và phát triển. Trong những năm qua, có thể nói, cây ăn quả đã góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn toàn huyện.
|
Tham quan mô hình hồng không hạt xã Lộc Yên (Cao Lộc) |
Vào mùa mận, trên các nẻo đường từ Hải Yến, Hòa Cư ra chợ, ngày nào nhân dân cũng kĩu kịt đầy gánh mận đi bán. Mặc dù đây chỉ là cây trồng tận dụng đất, nhưng được nhân dân quan tâm trồng và chăm sóc, nó đã đem lại thu nhập kinh tế khá, cải thiện đời sống trong nhiều năm qua. Thưởng thức những quả hồng không hạt nổi tiếng thơm, ngon, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến vùng đất Bảo Lâm. Rồi những trái đào Công Sơn, trái lê Cao Lâu, Xuất Lễ… đã gắn bó với đời sống của người dân từ đời cha ông. Tuy nhiên, thực trạng những năm qua cho thấy diện tích cây ăn quả đã trồng lâu năm già cỗi, cây trồng mới không phù hợp đất, đất không được cải tạo thường xuyên, hoặc chăm sóc chưa đảm bảo kĩ thuật… nên nhiều cây suy thoái, năng suất giảm đáng kể. Để tiếp tục phát triển cây ăn quả, giữ vững hiệu quả kinh tế, trên cơ sở những vùng đất phù hợp và vùng cây quả sẵn có, trong những năm qua, ngành chức năng huyện Cao Lộc đã không ngừng quan tâm, tham mưu thực hiện quy hoạch vùng để duy trì và phát triển cây ăn quả. Từ sự quan tâm, định hướng của huyện, diện tích cây ăn quả tăng hàng năm, vùng cây ăn quả mở rộng, hình thành vùng rõ rệt hơn, nhân dân đầu tư, chăm sóc có kĩ thuật hơn. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện có trên 2.041 ha, tăng khoảng 1.200 ha so với năm 1997, gồm: cam, quýt, nhãn, hồng, mơ, mận, lê, mác mật… Trong đó, mận và hồng là cây hình thành vùng rõ rệt nhất, chiếm diện tích lớn nhất. Diện tích cây mận khoảng 455ha, trồng nhiều ở các xã Hải Yến, Hòa Cư, Bình Trung; cây hồng không hạt chiếm 337,5ha, tập trung ở Bảo Lâm, Lộc Yên, Thụy Hùng. Đối với từng vùng, từng loại cây ăn quả, huyện đều có định hướng phát triển chuyên canh với những giải pháp hỗ trợ giống, tuyên truyền và tập huấn kĩ thuật, vận động nhân dân trồng, chăm sóc cây và nhân rộng những cây quả có giá trị kinh tế. Qua đó củng cố, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể, trong vài năm gần đây, cây hồng không hạt đã được nghiên cứu, hỗ trợ kĩ thuật để trồng mới ở xã Bảo Lâm và nhân rộng diện tích ra các xã Lộc Yên, Thanh Lòa. Ngoài duy trì, phát triển nhân rộng cây ăn quả sẵn có, huyện còn quan tâm, đầu tư đưa các cây ăn quả mới vào trồng. Từ nguồn vốn chương trình 135, huyện đã đầu tư mô hình trám đen ở xã Song Giáp với diện tích 2 ha; cây dẻ diện tích 4 ha ở Thanh Lòa, Thạch Đạn. Hiện nay, ngành chức năng đang trong quá trình theo dõi, nếu mô hình thành công, huyện sẽ nhân rộng diện tích để phát triển thành vùng.
Cây ăn quả có một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân huyện Cao Lộc. Vì vậy, huyện đã không ngừng quan tâm duy trì và phát triển cây ăn quả, có định hướng phát triển qua các giai đoạn với những giải pháp như nghiên cứu chất đất để nhân rộng diện tích cây có giá trị kinh tế, đưa cây quả mới vào trồng, tập huấn kĩ thuật, hỗ trợ giống… Với những giải pháp thường xuyên đó, tin rằng các vùng cây quả sẽ được duy trì, phát triển, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Lâm Như
Ý kiến ()