Phát triển cây ăn quả: Hướng đi đúng trong lộ trình giảm nghèo ở Lộc Yên
– Với lợi thế diện tích đất đồi rừng rộng, người dân xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc đã chủ động phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa. Hướng đi này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định.
Xác định phát triển cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Lộc Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người dân để từng bước hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung. Để hỗ trợ về vốn, các tổ chức, đoàn thể của xã đã hướng dẫn, tạo thuận lợi để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Từ năm 2016 đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn xã đạt gần 8 tỷ đồng với 305 lượt hộ vay. Trong đó, phần lớn các hộ vay vốn để đầu tư trồng cây ăn quả.
Người dân thôn Bản Dọn, xã Lộc Yên kiểm tra chất lượng quả xoài
Ngoài ra, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, UBND xã đã hỗ trợ 345 hộ về cây giống như: mận, xoài, hồng… để phát triển sản xuất với trị giá trên 900 triệu đồng. Cùng với đó, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện mở 2 hoặc 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây ăn quả cho nông dân. Từ năm 2016 đến nay, đã có 12 lớp tập huấn được tổ chức với trên 403 lượt người tham gia.
Với sự hỗ trợ, định hướng đó, người dân trên địa bàn xã Lộc Yên đã từng bước cải tạo đất đồi, rừng tạp phát triển cây ăn quả. Nếu như năm 2015, toàn xã có khoảng 50 ha cây ăn quả thì đến nay, diện tích đã tăng lên trên 110 ha, phát triển ở cả 3/3 thôn của xã, trong đó: cây hồng trên 76 ha; cam, quýt 4 ha; mận trên 24 ha; xoài, lê và các loại cây ăn quả khác gần 6 ha… Đồng thời, các loại cây ăn quả được quy hoạch trồng theo vùng tập trung. Theo đó, cây hồng không hạt Bảo Lâm được quy hoạch trồng tại các thôn: Bản Dọn, Bản Héc; cây mận, cây xoài, cây lê được quy hoạch trồng tại các thôn: Bản Giếng, Bản Dọn…
Chị Lã Thị Lành, thôn Bản Dọn cho biết: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo. Nhờ trồng cây ăn quả, hiện nay, đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Hiện nay, tôi có khoảng 250 gốc hồng Bảo Lâm, 200 gốc mận, 100 gốc xoài và 50 gốc lê. Bình quân, gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Thời gian tới, với hơn 2 ha đất còn trống, tôi tiếp tục trồng thêm hồng và một số loại cây ăn quả khác.
Ngoài gia đình chị Lành, hiện nay, trên địa bàn xã đã và đang có 45 hộ dân có thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng/năm nhờ trồng cây ăn quả như: hộ ông Hoàng Văn Định, Hoàng Văn Thưởng, thôn Bản Dọn; hộ ông Lý Văn Tẹo, thôn Bản Héc… Nhờ phát triển cây ăn quả, người dân trên địa bàn xã có thêm thu nhập, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 15,2%, giảm 41,7% so với năm 2016.
Ông Hứa Văn Thành, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã xác định, hướng tới hình thành vùng sản xuất cây hồng không hạt Bảo Lâm. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và phát triển một số loại cây ăn quả đang có tiềm năng như: mận, quýt, lê, xoài. Thời gian tới, xã định hướng thành lập các nhóm sản xuất để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây ăn quả, hướng tới sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng yêu cầu của thị trường
Ý kiến ()