Phát triển cây ăn quả có múi theo hướng tập trung
Với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, những năm qua các địa phương phía bắc đã đẩy mạnh phát triển các vùng cây ăn quả có múi thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất. Hiện nay, nhiều địa phương xác định cây ăn quả có múi là cây trồng chủ lực nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.
Theo thống kê, đến nay toàn miền bắc diện tích cây ăn quả có múi khoảng hơn 120 nghìn ha. Nhằm nâng cao giá trị, sản lượng, chất lượng cây ăn quả có múi, thời gian qua các địa phương đã khuyến khích nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: tưới tiết kiệm nước, tưới nước kết hợp bón phân qua hệ thống tưới; sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống được nhiều nhà vườn quan tâm áp dụng làm tăng năng suất, chất lượng quả và tăng lợi nhuận…
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến cho biết “trong những năm gần đây diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh đã có bước tăng trưởng nhanh. Nếu như năm 2010 diện tích có hơn 1.000 ha đến năm 2021 tăng lên 10.840 ha, trong đó gần 8.000 ha kinh doanh, sản lượng dự kiến 155 nghìn tấn, thu nhập bình quân đạt từ 300 đến 350 triệu đồng/ha/năm”.
Đến nay, sản xuất cây ăn quả có múi ở Hòa Bình được chuyên canh hóa rõ nét theo từng vùng, nhóm sản phẩm như: vùng cam, quýt tập trung tại các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng bưởi tập trung tại các huyện: Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn. Hiện nay, sản phẩm cây ăn quả có múi đã được xác định là sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Tại tỉnh Bắc Giang, thời gian qua cây ăn quả có múi cũng đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định và làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Qua thống kê, hiện nay diện tích trồng cam, bưởi của tỉnh có hơn 10,7 nghìn ha, trong đó cây cam, diện tích 5.191 ha, sản lượng ước khoảng 48.000 tấn, diện tích bưởi 5.562 ha, sản lượng ước đạt 36.800 tấn, ước giá trị thu nhập từ loại cây trồng này đạt hơn 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả có múi ở phía bắc hiện nay còn nhiều khó khăn, trong đó nhiều giống đưa vào sản xuất có mẫu mã, chất lượng chưa cao hoặc giống thoái hóa, nhiều hạt… làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm ăn tươi, khó bảo đảm cho công nghiệp chế biến; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được phổ biến rộng rãi…
Mặc dù hiện nay bộ giống cây ăn quả có múi tại tỉnh Hòa Bình được đánh giá khá phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu rải vụ thu hoạch từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Nhưng việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào bảo quản, sơ chế, chế biến vẫn còn nhỏ lẻ và mang tính thử nghiệm; việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết sản suất gắn với tiêu thụ còn thấp; đa số người sản xuất, hợp tác xã tiêu thụ theo hình thức nhỏ lẻ; thiếu những đầu mối thu mua tập trung có đủ nhà xưởng, dây chuyền để sơ chế, đóng gói và phân phối sản phẩm. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa phát triển đồng bộ với việc mở rộng quy mô diện tích sản xuất…
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Yến, để phát triển bền vững cây có múi trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt đề án tái canh cây ăn quả có múi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Trong đó đến 2025 tập trung tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong; tổ chức lại sản xuất với quy mô khoảng 1.500 ha, đưa toàn bộ vùng sản xuất cây có múi của huyện Cao Phong đạt các chỉ tiêu như: Ít nhất 75% số hộ sản xuất cây ăn quả có múi là thành viên của doanh nghiệp, hợp tác xã và được giám sát chặt chẽ về quy trình canh tác; 100% diện tích cam, quýt giai đoạn kinh doanh bảo đảm đủ điều kiện về an toàn thực phẩm trong sản xuất, trong đó có hơn 85% diện tích được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm…
Đồng thời có ít nhất 70% sản lượng quả tươi được sơ chế đạt yêu cầu, truy xuất được nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường và được tiêu thụ qua hợp đồng; cấp được ít nhất 50 mã số vùng trồng và 10 mã số cơ sở đóng gói; 100% diện tích trồng cây có múi tập trung được cung cấp nước tưới chủ động, trong đó có 60% ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Nhằm phát triển sản xuất cây ăn quả có múi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, về lâu dài các địa phương cần chú trọng đưa vào sản xuất các giống đặc sản, có lợi thế cạnh tranh cao ở từng địa phương; tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; phấn đấu 100% sản phẩm vùng tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh phát triển sản xuất cây ăn quả có múi gắn với công nghiệp chế biến.
Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây có múi mới, có năng suất, chất lượng, không hạt hoặc có ít hạt, rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh,… để kịp thời bổ sung cho sản xuất; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, làm ảnh hưởng chất lượng quả, cũng như môi trường, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả có múi; đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả có múi…
Ý kiến ()