Phát triển các trạm phát sóng BTS: Góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
– Hạ tầng số gồm các thành phần như: thiết bị kết nối, dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, pháp lý và nhân lực. Trong đó, hạ tầng dữ liệu là đặc biệt quan trọng. Góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn, các doanh nghiệp viễn thông đang tích cực phát triển các trạm phát sóng BTS nhằm xóa trắng sóng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 2.894 trạm phát sóng BTS, trong đó, 838 trạm phát sóng 2G, 1.072 trạm phát sóng 3G, 984 trạm phát sóng 4G. Số trạm phát sóng BTS đã tăng 76 trạm so với cùng kỳ, song số trạm phát sóng 2G còn cao chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt, toàn tỉnh vẫn còn 300 thôn, bản trắng sóng hoặc sóng yếu. Đây đều là những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, người dân gặp nhiều khó khăn trong thông tin liên lạc, phát triển kinh tế số, thực hiện công dân số…
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát tình hình hạ tầng viễn thông tại xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập
Xác định để chuyển đổi số phải đồng bộ, hiệu quả, đi vào chiều sâu và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đã xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng số đến năm 2025. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 là phổ cập sóng 5G trên địa bàn tỉnh; hơn 80% hộ gia đình được sử dụng Internet cáp quang băng rộng; mỗi hộ gia đình có 1 điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Chỉ riêng trong năm 2022, tỉnh Lạng Sơn quyết tâm phủ sóng băng rộng di động đến 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh; bắt đầu phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh; giảm thuê bao 2G xuống dưới 5% tiến tới lộ trình tắt sóng 2G.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TTTT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh cho biết: Để hoàn thiện hạ tầng số trên địa bàn tỉnh, Sở TTTT ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng di động tại các thôn, bản trắng sóng, sóng yếu. Việc phát triển hạ tầng di động được thực hiện theo hướng dùng chung giữa các doanh nghiệp viễn thông, giữa hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu về cảnh quan môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của ngành. Sở TTTT đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn và đưa ra thời gian thực hiện cụ thể để các đơn vị báo cáo với tập đoàn, tổng công ty, đề xuất nguồn lực triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Nhiệm vụ xóa trắng sóng, sóng yếu tại các thôn, bản được giao cho 3 doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Viettel Lạng Sơn xây dựng 181 trạm BTS, Viễn thông Lạng Sơn 100 trạm, Mobifone 19 trạm. Trước ngày 30/6/2022 sẽ hoàn thành và đưa vào phát sóng 156/300 vị trí, trước ngày 30/9/2022 sẽ hoàn thành các điểm còn lại. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ, Sở TTTT cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố bố trí quỹ đất để xây dựng các trạm BTS, thực hiện bàn giao một phần đất mà không phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã rà soát, lên danh sách các điểm xây dựng trạm phát sóng BTS; báo cáo, đề xuất để tập đoàn, tổng công ty bố trí nguồn lực, đầu tư phương tiện, trang thiết bị. Hiện các đơn vị đang thi công xây dựng các trạm BTS và khảo sát địa điểm xây dựng thí điểm 5 trạm BTS 5G trên địa bàn thành phố và khu vực cửa khẩu.
Ông Bùi Đình Khoa, Giám đốc Viettel Lạng Sơn cho biết: Viettel Lạng Sơn chịu trách nhiệm xóa trắng sóng tại 181 thôn, bản. Chúng tôi đã xây dựng phát triển 79 trạm, phấn đấu đến hết tháng 6, Viettel Lạng Sơn sẽ hoàn thành 109 trạm phát sóng BTS, vượt kế hoạch 29 trạm.
Quá trình phát triển trạm phát sóng BTS, các doanh nghiệp viễn thông đã gặp phải khó khăn như một số vị trí xây dựng nằm trong khu vực đất công, di tích…, do đó, cần thay đổi kế hoạch triển khai thực hiện. Thời gian thi công ngắn, việc huy động nhân lực tổ chức các đội thi công gặp khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ. Thực hiện mục tiêu của tỉnh, các đơn vị đều huy động tối đa nhân lực, vật được triển khai xây dựng các trạm phát song BTS. Theo báo cáo sơ bộ từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 37 trạm BTS được hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ người dân.
Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số là nhiệm vụ quan trọng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan trong hệ thống chính trị, đồng thời, cũng nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, mang lại những tiện ích, lợi ích thiết thực cho đời sống Nhân dân. Với quyết tâm của các doanh nghiệp viễn thông cùng sự đôn đốc thường xuyên của Sở TTTT, tin rằng hạ tầng số sẽ sớm hoàn thiện và phát huy hiệu quả tích cực
Ý kiến ()