Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh
Chuyển đổi số là xu thế đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là nước có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số sẽ là cơ sở để đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng các mặt hàng nông sản.
Người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin sản phẩm thông qua mã QR. |
Nhiều năm trở lại đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh không còn xa lạ với nông dân. Từ những trang trại “chăn nuôi không người”, “trang trại tự động”, “sàn thương mại điện tử”… có thể xem là thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa.
Chuyển đổi số đang được coi là giải pháp đột phá, tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm mang lại tính minh bạch, chính xác trong xuất xứ thực phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và tạo cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững.
Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh là một trong những đơn vị đi đầu của ngành nông nghiệp tỉnh trong việc nắm bắt xu thế chuyển đổi số. Trung tâm đã xây dựng nhiều nhóm mạng xã hội Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như Khuyến nông Quảng Ninh, Khuyến ngư, Câu lạc bộ nuôi tôm an toàn… nhằm kết nối, trao đổi một cách nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm qua việc gửi hình ảnh, video, clip làm cơ sở phân tích và xử lý công việc kịp thời.
Trung tâm đã thử nghiệm lập kênh YouTube: “Thú vị nghề nông” để chia sẻ các video, clip ngắn hướng dẫn kỹ thuật trong nông nghiệp. Ðây chính là nền tảng ban đầu trong việc lưu trữ dữ liệu trên internet để người dân khai thác, tìm hiểu, học tập và tương tác trên không gian mạng. Từ đó, từng bước hoàn thiện để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đến với người dân một cách tối ưu.
Ba năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai Ðề án thí điểm tổng đài tư vấn khuyến nông trên địa bàn tỉnh, nhằm giải đáp các vướng mắc của người dân liên quan chính sách, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Ðơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền và là những dữ liệu căn bản trong công cuộc số hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.
Gia đình ông Hoàng Văn Cường (xã Ðông Ngũ, huyện Tiên Yên) là một trong những đơn vị chủ động ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Ông Cường cho biết, việc sử dụng QR-Code đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm, từ đó, hạn chế việc mua phải những nông sản, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cùng với các đề án chuyển đổi số do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh thực hiện, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã ứng dụng chuyển đổi số trong việc truy xuất nguồn gốc, thông qua phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/.
Hệ thống góp phần giúp các cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng phát huy quyền giám sát, kiểm tra; dễ dàng xác minh nguồn gốc sản phẩm, phát hiện kịp thời hàng giả, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe người tiêu dùng. Ðến nay, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản, với 300 sản phẩm gắn mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm và cấp phát hàng trăm nghìn tem truy xuất và tem xác thực chống giả.
Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc đang được mở rộng đối với cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng trồng cây chủ lực của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất an toàn với Quảng Ninh. Hiện nay, sản phẩm của Quảng Ninh đã được đấu nối với Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thực phẩm của thành phố Hà Nội, liên thông đồng bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số… Trước mắt, ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng, chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp…
Trong thời gian gần đây, chuyển đổi số đã trở thành một mục tiêu lớn được triển khai mạnh mẽ ở cấp trung ương và địa phương. Ngành nông nghiệp đã được lựa chọn là một trong tám lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại giá trị và quan tâm đến hiệu quả lợi ích và giá trị của người dùng.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Mới đây, Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) vừa ra mắt sổ tay “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm” chính là việc lựa chọn đúng khâu quan trọng nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Chủ thể trọng tâm của cuốn sách là người nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðây là những đối tượng dẫn dắt chuyển đổi số không phải đơn giản và dễ dàng.
Theo ông Toản, trong lĩnh vực nông nghiệp, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao, với khoảng 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp và 19.500 hợp tác xã nông nghiệp. Muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm, các cơ quan, ban, ngành cần phải cùng nhận thức giống nhau, cùng phương pháp và hành động. Qua đó, lựa chọn chuyển đổi số lĩnh vực chế biến thực phẩm là một trong những lĩnh vực có tính chất nâng cao giá trị gia tăng, bởi nông nghiệp hiện nay đang chuyển nhanh, mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, lựa chọn đúng khâu nâng cao giá trị gia tăng cũng là phương thức để tri thức hóa người nông dân, giúp các sản phẩm nông nghiệp gia tăng về mặt giá trị. Không chỉ là giá trị kinh tế mà còn là giá trị môi trường, giá trị sử dụng lên bàn ăn người tiêu dùng. Lấy thí dụ điển hình, các hợp tác xã vùng cao có rất nhiều đặc sản, các sản phẩm đặc thù của nông nghiệp. Những sản phẩm này sẽ được chuyển hóa bằng phương thức số.
Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những phương thức chuyển đổi số thông qua truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị thông tin của sản phẩm hoặc có thể kể câu chuyện từ sản xuất canh tác, chế biến, thông qua chuyển đổi số. Người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc sản phẩm thông qua ứng dụng số. Trong một thời đại chuyển đổi số mạnh hiện nay, đó là con đường tất yếu để sản phẩm đi xa hơn, chi phí giảm hơn.
Ý kiến ()