Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp
LSO-Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề cốt lõi trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Thời gian qua, huyện Lộc Bình đã chú trọng hỗ trợ phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi.
Ông Đinh Văn Kim, thôn Tằm Lịp, xã Xuân Mãn chăm sóc vườn cam đường Canh |
Từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng NTM, những năm qua, huyện Lộc Bình đã tích cực triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất. Từ 2011 đến nay, huyện đã triển khai thành công 10 mô hình trồng trọt và chăn nuôi, với tổng số vốn hỗ trợ của nhà nước trên 2,8 tỷ đồng tại các xã: Yên Khoái, Xuân Mãn, Hữu Khánh. Qua đó, đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao.
Điển hình như mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm giống mới được triển khai tại xã Xuân Mãn vào năm 2015. Với quy mô 11 ha, mô hình có 160 hộ gia đình tham gia. Tổng số vốn đầu tư mô hình là 593 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 350 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng từ các hộ dân. Ông Vy Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Xuân Mãn cho biết: Giống khoai tây mới được xã đưa vào trồng cho năng suất 18 tấn/ha, cao hơn 4 tấn/ha so với giống khoai tây cũ mà bà con vẫn trồng trước đó. Tổng doanh thu bình quân của mô hình đạt từ 1,5-1,8 tỷ đồng/vụ. Hiện nay mô hình vẫn đang được duy trì, các hộ dân trong xã tiếp tục sử dụng giống khoai tây mới để áp dụng vào sản xuất.
Bên cạnh đó, năm 2014, huyện cũng đã triển khai mô hình thâm canh lúa lai SYN 6 vụ hè thu trên diện tích 26 ha tại xã Hữu Khánh, với 150 hộ gia đình tham gia, cho năng suất đạt 53 tạ/ha, cao hơn khoảng 3-5 tạ/ha so với giống lúa truyền thống trước đó bà con vẫn trồng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2016 đến nay, huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất triển khai được 2 mô hình trồng cây ăn quả tại xã Xuân Mãn, diện tích thực hiện 1,4 ha với 5 hộ gia đình tham gia. Đến nay, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và hiệu quả trong khâu liên kết nên cây giống phát triển tốt.
Trong năm 2017, huyện tiếp tục triển khai các mô hình phát triển sản xuất với tổng số vốn hơn 1 tỷ đồng. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng xã, huyện lựa chọn các cây, con giống phù hợp như: mô hình trồng lúa Nhật, cây ăn quả có múi tại xã Hữu Khánh; mô hình trồng khoai tây, lúa Nhật tại xã Yên Khoái và Xuân Mãn. Hiện các mô hình đều đang được huyện tập trung triển khai, hướng đến mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó đã xuất hiện các mô hình có quy mô lớn như: mô hình trồng bưởi da xanh trên diện tích 25 ha tại xã Xuân Mãn do Công ty TNHH Hồng Phong đầu tư; mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Yên Khoái…
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Cái được lớn nhất trong việc triển khai các mô hình phát triển sản xuất là bước đầu thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung; giúp người dân được tiếp cận với khoa học – kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh. Tuy nhiên, diện tích các hộ tham gia mô hình còn nhỏ lẻ, manh mún; người dân chủ yếu là lao động thủ công, thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, do đó hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong việc phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ quan chuyên môn và UBND các xã trong công tác tuyên truyền cũng như triển khai thực hiện các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()