Phát triển các khu công nghiệp ở Quảng Ninh
Những năm gần đây, công nghiệp Quảng Ninh có bước chuyển biến tích cực, nhất là khai thác than, đóng tàu, sản xuất xi-măng, nhiệt điện. Trong năm năm qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Quảng Ninh luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Sản xuất công nghiệp phát triển đúng hướng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,8%/năm, số lượng các cơ sở công nghiệp đều tăng mạnh.Tiềm năng lớn nhưng còn không ít vướng mắcVới 11 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục phát triển các KCN Việt Nam, trong đó có ba KCN đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, khu vực kinh tế này đã góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chiếm tới 51% trong cơ cấu GDP. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập,...
Tiềm năng lớn nhưng còn không ít vướng mắc
Với 11 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục phát triển các KCN Việt Nam, trong đó có ba KCN đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, khu vực kinh tế này đã góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chiếm tới 51% trong cơ cấu GDP. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là việc thu hút đầu tư đối với những dự án có quy mô lớn, tầm cỡ. Số liệu tổng hợp từ các ngành và doanh nghiệp cho thấy: Từ năm 2008 trở lại đây, tỷ lệ thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chỉ đạt khoảng 30% so với kế hoạch.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào KCN và đầu tư hạ tầng trong KCN chậm so nhu cầu phát triển chung của tỉnh và hoạt động của các doanh nghiệp. Điển hình như việc chậm hoàn thiện tuyến đường nối từ KCN Cái Lân ra cảng Cái Lân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng cơ bản và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của không ít công ty. Đối với hai KCN Hải Hà và Đông Mai, mặc dù đã được Chính phủ chính thức phê duyệt từ lâu và hiện đang có một số nhà đầu tư xúc tiến tìm hiểu đầu tư song đến nay cả hai KCN này vẫn đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, san nền, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và khảo sát năng lực đầu tư của doanh nghiệp cho nên cũng rơi vào tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của KCN theo quy hoạch.
Như vậy, trên thực tế cơ sở hạ tầng đã có ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hút đầu tư vào các KCN. Thực tế cho thấy nơi nào có cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN hoàn chỉnh, thì ở đó thu hút đầu tư khá thuận lợi. Ngược lại, cho dù địa phương có áp dụng chính sách ưu đãi tới mức cao nhất, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, thì việc thu hút được các dự án đầu tư vẫn khó khăn. Ngoài ra, cơ chế quản lý và phân cấp quản lý giữa các cơ quan chức năng đang là trở ngại đối với hoạt động của các KCN và làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hiện các doanh nghiệp khi đăng ký vào KCN sẽ phải chịu sự quản lý của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Công thương và chính quyền địa phương.
Mặt khác, việc phân cấp giữa cơ quan chức năng để kiểm tra năng lực tài chính và xét phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng thiếu rõ ràng. Đó là chưa kể đến nhiều chính sách ban hành thiếu đồng bộ, không nhất quán khiến nhiều nhà đầu tư e ngại trong phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.
Cần có những giải pháp đồng bộ
Việc phát triển các KCN rõ ràng đang đặt ra yêu cầu cần điều chỉnh, hoạch định mang tính chiến lược. Không nên phê duyệt, quy hoạch nhiều KCN, nhưng lại thiếu vốn để xây dựng hạ tầng, vì như vậy sẽ làm các nhà đầu tư e ngại về môi trường đầu tư của tỉnh. Những lợi thế về giá thuê đất, tài nguyên, lao động… mà tỉnh Quảng Ninh coi là cơ sở để phát triển các KCN sẽ không phát huy tác dụng, không thể bù đắp được những hạn chế khác. Do đó, giải pháp được coi là hợp lý nhất để thu hút đầu tư đặc biệt với những dự án có quy mô đầu tư lớn đang được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, đó là tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và môi trường đầu tư các KCN hiện có để thu hút các nhà đầu tư trong và nước ngoài, thay vì thành lập mới các KCN. Đồng thời, tiếp tục giải quyết linh hoạt và kịp thời chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động các KCN. Một trong những giải pháp quan trọng khác là cần điều chỉnh lại quy hoạch KCN theo hướng: lâu dài, ổn định, tránh tình trạng làm theo phong trào, hình thức, thiếu tính chiến lược. Theo đó, việc quy hoạch KCN phải được gắn kết chặt chẽ với lợi thế cạnh tranh từng địa phương và theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế để hình thành những đô thị mới, những đô thị vệ tinh phục vụ cho phát triển các KCN.
Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh có 11 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục phát triển các KCN Việt Nam, với diện tích mỗi khu từ 150 ha đến 5.000 ha. Trong số đó, KCN Cái Lân được hình thành sớm nhất (năm 1997) và được đầu tư tương đối hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Hiện đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê tới 95% số diện tích đất kinh doanh. Trong các KCN hiện có 43 dự án còn hiệu lực hoạt động, trong đó có 17 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 160 triệu USD và 26 dự án trong nước với số vốn đầu tư đăng ký là 5.514 tỷ đồng. Trong chín tháng đầu năm 2010, các KCN thu hút ba dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 15 triệu USD.
KCN cảng biển Hải Hà có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đối với vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, được xác định đến năm 2020 cơ bản xây dựng hoàn chỉnh KCN này với TP Móng Cái có cửa khẩu quốc tế trở thành trung tâm công nghiệp, cảng biển, trung tâm tài chính, khu mậu dịch tự do lớn và hiện đại trong khu vực theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với KCN cảng biển Hải Hà để đẩy nhanh tốc độ đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả vào năm 2015.
Lãnh đạo Sở Công thương Quảng Ninh cho biết: 'Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới cũng như sự lạc quan của các nhà đầu tư đang trở thành cơ hội lớn cho ngành công nghiệp Quảng Ninh. Điều này thể hiện ở việc nhiều doanh nghiệp không chỉ trở lại hoạt động bình thường mà còn mở rộng, phát triển sản xuất. Việc tái cấu trúc của một số doanh nghiệp đã giúp họ có những phản ứng về thị trường nhanh hơn và không bị động trong thời gian tới'.
Mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 sẽ hình thành 42 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.425,6 ha, bình quân gần 34 ha đất/cụm. Việc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp ở tỉnh này sẽ được thực hiện theo ba giải pháp trọng tâm: Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng lớn, có tiềm lực đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn; Xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp thuê đất trong cụm công nghiệp; Tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các cụm công nghiệp, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, tăng cường công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong các cụm công nghiệp; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành công nghiệp trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực quản lý và phát triển cụm công nghiệp.
Trong tương lai, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn sẽ đáp ứng được nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất, thu hút các nguồn lực về vốn, công nghệ… đồng thời thúc đẩy công nghiệp phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và góp phần cơ bản khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ra; sớm đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015.
Theo Nhandan
Ý kiến ()