Phát triển các cơ sở chế biến lâm sản
(LSO) – Tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng, lao động sẵn có… thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã phát triển các cơ sở chế biến lâm sản. Hướng đi này góp phần quan trọng giải quyết bài toán về đầu ra sản phẩm gỗ rừng trồng. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.
Những năm gần đây, số cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng. Hiện nay, toàn tỉnh có 255 cơ sở. Trong đó, có 15 công ty và hợp tác xã có quy mô công suất chế biến lớn, điển hình như: Công ty TNHH Lâm sản Thành An Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Greatwood, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Sao Bắc Việt (Hữu Lũng); Công ty TNHH Hiếu Thủy (Đình Lập)… Ngoài ra, còn hơn 200 cơ sở có quy mô chế biến nhỏ, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình.
Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ gỗ chủ yếu như: dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván ép và đồ mộc gia dụng… được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh và một phần được xuất khẩu. Đã có một số cơ sở, doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Sản xuất đồ mộc ở xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn
Ông Đậu Văn Duyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Đồng Phú, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2014, tôi mở xưởng chế biến gỗ bóc với quy mô nhỏ. Năm 2019, tôi đầu tư thêm máy ép gỗ để làm gỗ dán, nâng lên 7 máy (4 máy bóc, 3 máy dán). Trước đây, sản phẩm gỗ bóc chỉ bán được 3 triệu đồng/m3, từ khi đầu tư máy móc, làm được sản phẩm gỗ dán giá thành trung bình từ 8 đến 9 triệu đồng/m3. Hiện công ty tạo việc làm cho 130 công nhân với mức lương từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Với thị trường và đơn hàng ổn định, trừ chi phí, công ty thu về 5 tỷ đồng/năm.
Ngoài công ty Cổ phần Khai thác Khoáng sản Đồng Phú, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến áp dụng kỹ thuật trong sản xuất. Cùng với sản xuất gỗ bóc, gỗ dán, ván ép, một số doanh nghiệp, cơ sở đã phát triển thêm các dịch vụ như: sản xuất đồ gỗ nội thất, đồ mộc dân dụng… phục vụ nhu cầu thị trường.
Ông Đỗ Văn Thắng, chủ cửa hàng đồ mộc Chiến Thắng, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Năm 2014, nhận thấy thị trường đồ mộc dân dụng phát triển, tôi mở xưởng sản xuất và cửa hàng kinh doanh đồ mộc tại nhà. Mấy năm gần đây, các đồ gia dụng như: giường, tủ, kệ tivi, bàn, ghế, tượng phật, cây đục, gỗ lũa… được khách hàng ở thành phố Lạng Sơn và các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh… chọn mua nhiều. Để đủ sản phẩm cho khách tôi duy trì sản xuất quanh năm, cao điểm nhất là những tháng cận Tết.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Hữu Lũng là huyện có nhiều cơ sở chế biến lâm sản lớn và đa dạng nhất trong tỉnh. Các cơ sở chế biến của huyện có đầu ra ổn định ở các thị trường lớn như: Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc… Các huyện và thành phố còn lại với cơ sở chế biến quy mô trung bình và nhỏ hơn thường chủ yếu bán ở thị trường nội và ngoại tỉnh.
Cùng với sự phát triển của các cơ sở chế biến lâm sản, hàng nghìn lao động của tỉnh đã có việc làm ổn định tại các xưởng chế biến. Trong đó, với các lao động phổ thông mức lương trung bình 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Đối với những lao động có kỹ thuật, tay nghề cao có thể thu nhập từ 15 đến 18 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhiều cơ sở chế biến lâm sản. Để quản lý hiệu quả các cơ sở chế biến này, hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra chuyên ngành. Từ đầu năm 2020 đến nay, chi cục đã kiểm tra 160 cơ sở chế biến. Trong các cuộc kiểm tra, nội dung tập trung vào việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ về hồ sơ lâm sản, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào; việc ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản và kê khai lâm sản… Qua kiểm tra, chi cục phát hiện 3 cơ sở vi phạm, chủ yếu vi phạm lỗi: tàng trữ lâm sản trái pháp luật. Đồng thời, chi cục chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố tổ chức rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn để nắm bắt thông tin; phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Nhờ đó, hầu hết các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Sản lượng chế biến các sản phẩm lâm sản trên địa bàn tỉnh trung bình đạt từ 95.000 đến 100.000 m3/năm. Năm 2020, sản lượng chế biến các sản phẩm như: ván bóc, ván ép, ván dán, gỗ xẻ và các sản phẩm từ rừng trồng ước đạt 126.000 m3 (tăng gấp 5,75 lần so với năm 2011) với tổng doanh thu ước đạt trên 450 tỷ đồng. |
Ý kiến ()