Phát triển các cây ATM mềm: Tạo thuận lợi phát triển thương mại điện tử khu vực nông thôn
– Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã có những đột phá trong phát triển kinh tế số, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, điều này khiến nhu cầu thanh toán và giao dịch thương mại điện tử tăng cao. Đáp ứng nhu cầu này, Bưu điện tỉnh đã chủ động phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ, chi hộ tiền qua tài khoản ngân hàng hay còn gọi là dịch vụ “ATM mềm”.
Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh vẫn quen sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt, truy vấn số dư, chuyển khoản… qua máy ATM. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có máy ATM nhất là khu vực nông thôn. Mỗi huyện chỉ có 2 hoặc 3 máy ATM nên tình trạng quá tải, phải xếp hàng chờ đợi lâu diễn ra thường xuyên. Từ tháng 7/2021 đến nay, thương mại điện tử, kinh tế số trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ với hơn 11.600 giao dịch. Nhu cầu chuyển tiền, nhận tiền, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng rất lớn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, Bưu điện tỉnh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (Ngân hàng MB) triển khai dịch vụ thu hộ, chi hộ tiền qua tài khoản ngân hàng tại các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh.
Nhân viên Bưu điện huyện Chi Lăng hướng dẫn người dân mở tài khoản hỗ trợ thanh toán (thu, chi) qua Ngân hàng MB
Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Triển khai dịch vụ thu hộ, chi hộ tiền qua tài khoản ngân hàng, từ tháng 9/2021 đến nay, chúng tôi lựa chọn các xã có giao dịch thương mại điện tử sôi động, có các điều kiện về cơ sở pháp lý, vị trí địa điểm, mặt bằng phục vụ, thiết bị công nghệ thông tin, nhân sự đảm bảo tại các huyện như: Chi Lăng, Hữu Lũng, Cao Lộc, Tràng Định… triển khai trước. Phấn đấu đến hết năm 2022, Bưu điện tỉnh sẽ triển khai dịch vụ tại 200 điểm bưu điện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo các nguồn lực triển khai dịch vụ, đơn vị đã tham mưu với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đầu tư trang thiết bị máy móc, cơ sở hạ tầng làm việc, đồng thời, phối hợp với Ngân hàng MB tổ chức triển khai dịch vụ, đào tạo nghiệp vụ cho người lao động.
Để sử dụng dịch vụ này, người dân chỉ cần tải ứng dụng MBbank trên kho ứng dụng của điện thoại thông minh và thực hiện đăng ký tài khoản, điền các thông tin hệ thống yêu cầu. Khi cần rút tiền từ tài khoản ngân hàng, người dùng chỉ cần mở ứng dụng, lựa chọn dịch vụ rút tiền, điền số tiền muốn rút, hệ thống sẽ cấp cho người dùng một mã OTP. Người dùng cung cấp mã số này cho nhân viên bưu điện cùng số tiền cần rút, sau khi xác nhận, nhân viên bưu điện sẽ tiến hành chi tiền cho người dùng. Thao tác nộp tiền hay chuyển tiền cũng được thực hiện tương tự. Đặc biệt, người dân có thể rút tiền từ bất kỳ tài khoản ngân hàng nào tại bưu điện thông qua ứng dụng này. Với những thao tác đơn giản, chỉ sau vài phút, người dân có thể thực hiện các dịch vụ thu, chi tiền theo yêu cầu ngay tại địa bàn xã mà không di chuyển xa.
Bà Đinh Thị Tố Oanh, Giám đốc Bưu điện huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, huyện Chi Lăng có 7 điểm ATM mềm tại 5 xã và 2 thị trấn. Để người dân biết và sử dụng dịch vụ, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn khi người dân đến sử dụng các dịch vụ gửi hàng, mua sắm, chuyển tiền tại các điểm bưu điện. Cùng đó, chuẩn bị các tờ rơi, tờ gấp hướng dẫn phát cho người dân tham khảo, nghiên cứu.
Từ tháng 9/2021 đến nay, Bưu điện tỉnh đã triển khai dịch vụ thu hộ, chi hộ tiền qua tài khoản ngân hàng tại 68 điểm bưu điện của 67 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã thực hiện 385 giao dịch chi hộ tiền mặt với tổng giá trị trên 500 triệu đồng, ngoài ra, các đơn vị cũng mở mới hơn 100 tài khoản tại Ngân hàng MB cho người dân. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2022, Bưu điện tỉnh sẽ phát triển thêm 133 điểm “ATM mềm”. Hiện tại, đơn vị đang tiếp tục đào tạo bổ sung nhân sự, rà soát cải tạo các điểm phục vụ chưa đáp ứng mặt bằng; tích cực tuyên truyền đến các cơ quan, doanh nghiệp, người dân các xã về dịch vụ thu hộ, chi hộ tiền qua tài khoản ngân hàng để người dân thuận tiện hơn khi có nhu cầu.
Dịch vụ “ATM mềm” là giải pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu thanh toán điện tử cho người dân, nhất là người dân các thôn, bản. Từ đó, từng bước góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thói quen sử dụng tài khoản thanh toán cho người dân nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()