Phát triển cà-phê bền vững ở Ðác Nông
Nhiều năm qua, cà-phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Ðác Nông. Ðến nay, toàn tỉnh có gần 115 nghìn ha cà-phê. Nhờ trồng cà-phê, phần lớn các hộ nông dân trong tỉnh, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xóa được đói nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt.
Nhiều năm qua, cà-phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Ðác Nông. Ðến nay, toàn tỉnh có gần 115 nghìn ha cà-phê. Nhờ trồng cà-phê, phần lớn các hộ nông dân trong tỉnh, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xóa được đói nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt.
Tuy nhiên, cũng như các tỉnh khác trong khu vực, hiện nay, sản xuất cà-phê ở Ðác Nông đã và đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH)… Vì vậy, phát triển cà-phê bền vững thích ứng với BÐKH là giải pháp được ngành nông nghiệp và người nông dân ở Ðác Nông lựa chọn.
Sản xuất cà-phê đối mặt với nhiều khó khăn
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Ðác Nông Ðỗ Ngọc Duyên cho biết: Trong những năm qua, do diện tích cà-phê của tỉnh phát triển quá “nóng” cho nên đến nay nhiều diện tích cà-phê được trồng ngay cả trên những chân đất không đủ điều kiện trồng và chăm sóc như: thiếu nước tưới, đất có độ dốc lớn, đất bạc màu, đất có tầng canh tác mỏng dưới 50 cm… khiến cho cây cà-phê bước vào thời kỳ kinh doanh phát triển kém và năng suất thấp. Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra mới đây của Sở NN và PTNT cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 24.658 ha cà-phê cần phải tái canh. Ngoài diện tích cà-phê quá già cỗi không thể phục hồi, số diện tích còn lại tuy thời gian canh tác chưa nhiều nhưng cần phải tái canh do sử dụng giống kém chất lượng, mẫn cảm nhiều loại sâu bệnh hại, kỹ thuật canh tác kém… cho nên chất lượng vườn cây thấp, khó có khả năng phục hồi, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra, các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất như: trồng cây che bóng mát, tạo tán, tỉa cành phù hợp, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh hại, cải tạo giống, cải tạo các vườn cây già cỗi… chưa được người dân quan tâm, chú trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ðác Nông chỉ có 30% diện tích cà-phê trồng giống đạt chất lượng. Vì vậy, năng suất cà-phê trên địa bàn tỉnh hiện còn thấp, trung bình đạt 21 tạ/ha/năm, thấp hơn bình quân chung trong khu vực Tây Nguyên từ hai đến bốn tạ/ha.
Sự BÐKH ngày càng diễn biến phức tạp không chỉ tăng nhiệt độ, tăng hàm lượng CO2 mà còn làm thay đổi quy luật thời tiết… khiến việc sản xuất cà-phê của người nông dân ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Những năm gần đây, thời tiết ở Ðác Nông có những dấu hiệu bất thường, tần suất mưa và lượng mưa hằng năm đều giảm. Thông thường, mùa mưa hằng năm ở Ðác Nông bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 10, nhưng những năm gần đây mùa mưa đến muộn hơn và kết thúc cũng sớm hơn, lượng mưa cũng như tần suất mưa ít hơn trung bình nhiều năm trước đây. Do thiếu nước cho nên quả cà-phê phát triển không đồng đều, dẫn đến rụng quả nhiều hoặc nhân nhỏ gây thiệt hại về năng suất, chất lượng. Mùa mưa ngắn lại, lượng mưa giảm, khô hạn, nắng nóng kéo dài, nguồn nước ngầm suy giảm… là tác nhân làm cho sức đề kháng của cây cà-phê kém, ngược lại tạo môi trường thuận lợi cho các loại dịch bệnh bùng phát như: rệp sáp hại quả, hại rễ, nấm hồng, thối rễ… làm cho năng suất, sản lượng cà-phê bị sụt giảm. Ðáng lo ngại nhất hiện nay là mực nước ngầm ở Ðác Nông bị tụt sâu từ ba đến năm mét so với năm 2006. Do đó, năng lực khai thác của giếng khoan ở các địa phương trong tỉnh đã giảm từ 600.000 m3/ngày xuống còn 400.000 m3/ngày. Nguồn nước ngày càng cạn kiệt cho nên đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ðác Nông chỉ có gần 22.000 ha cà-phê được bảo đảm nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, còn lại hơn 92.000 ha cà-phê người dân phải tự tìm nguồn nước từ giếng khoan…
BÐKH mà tác động rõ nhất là sự cực đoan của thời tiết đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất cà-phê nói riêng ở Ðác Nông. Trong khi đó, người nông dân chưa nhận thức hết những tác hại cũng như chưa được trang bị kiến thức để đối phó với BÐKH. Ðiển hình là hiện nay, toàn tỉnh chỉ mới có 20% diện tích cà-phê được trồng cây che bóng mát, 80% diện tích còn lại không có bóng cây che mát cho nên mùa khô hằng năm đều bị khô hạn và thiệt hại nặng nề.
Giải pháp phát triển cà-phê bền vững
Ðể ngành sản xuất cà-phê của tỉnh phát triển bền vững, thích ứng với BÐKH, UBND tỉnh Ðác Nông đã và đang triển khai thực hiện Ðề án “Phát triển cà-phê bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”. Mục tiêu của tỉnh Ðác Nông đề ra là đến năm 2015 giữ diện tích ổn định và tập trung đầu tư thâm canh với diện tích 110 nghìn ha cà-phê, sản lượng bình quân giai đoạn 2013-2015 đạt hơn 280 nghìn tấn/niên vụ; 50% diện tích cà-phê có trồng cây che bóng; 40% diện tích cà-phê được canh tác theo hướng bền vững dựa trên bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà-phê 4C, bộ tiêu chuẩn UTZ Certified, Rain Forest và các bộ tiêu chuẩn tiên tiến khác… Ðến năm 2020, tiếp tục duy trì ổn định diện tích 115 nghìn đến 120 nghìn ha, sản lượng đạt bình quân 340 nghìn đến 350 nghìn tấn/niên vụ; 75% diện tích cà-phê có trồng cây che bóng; 75 đến 80% diện tích cà-phê được canh tác theo hướng bền vững dựa trên các bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà-phê 4C, bộ tiêu chuẩn UTZ Certified, Rain Forest và các bộ tiêu chuẩn tiên tiến khác… Giám đốc Sở NN và PTNT Ðác Nông Ðỗ Ngọc Duyên cho biết: Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực mà trọng tâm là rà soát, thống kê lại toàn bộ diện tích cà-phê hiện có trên địa bàn, những diện tích nằm trong quy hoạch thì khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng, còn những diện tích ngoài quy hoạch, nhất là những vùng có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng không phù hợp, thiếu nước tưới thì kiên quyết chuyển sang các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành sẽ tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện phát triển cà-phê bền vững từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ. Khuyến khích người trồng cà-phê liên doanh, liên kết hình thành vùng sản xuất có quy mô lớn, tạo thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy trình kỹ thuật sản xuất cà-phê, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất cà-phê, nhân rộng mô hình sản xuất cà-phê bền vững, mô hình sản xuất cà-phê sạch. Vận động người dân áp dụng mô hình cải tạo vườn cây theo hướng đa dạng sinh học như trồng cây che bóng, cây đai rừng… nhằm giảm lượng nước tưới, chống xói mòn, giúp môi trường sản xuất bền vững hơn. Ðồng thời, biện pháp tưới nước tiết kiệm cũng được áp dụng, thật sự là giải pháp kỹ thuật tối ưu trong điều kiện nguồn nước đang suy kiệt…
Tại hội thảo tìm giải pháp phát triển cà-phê bền vững mới đây do UBND tỉnh Ðác Nông tổ chức, TS Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên lưu ý: Ðể phát triển cà-phê bền vững trong điều kiện BÐKH diễn biến ngày càng phức tạp, hạn hán ngày càng khốc liệt, thì chất lượng giống cà-phê là vấn đề quyết định. Hiện nay, các giống cà-phê mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9… không chỉ cho năng suất cao, chất lượng cà-phê tốt mà còn đề kháng được các loại sâu bệnh hại, sức chịu hạn tốt. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo triển khai áp dụng các giải pháp quản lý kỹ thuật tổng hợp cho cà-phê; triển khai tập huấn cho người nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác cà-phê bền vững theo quy trình quản lý ICM với phương châm “ba giảm, ba phải, ba tăng”, trong đó giảm phân bón-nước tưới-thuốc bảo vệ thực vật, phải trồng mới bằng giống chất lượng tốt-phải trồng cây che bóng-phải thu hoạch đúng độ chín và tăng thu nhập – chất lượng – hiệu quả…
Còn TS Nguyễn Như Hiến, Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) cho rằng: Ðể sản xuất cà-phê bền vững thích ứng với BÐKH, tỉnh Ðác Nông cần xem xét lại về việc mở rộng diện tích cà-phê như mục tiêu đề ra. Theo định hướng phát triển cà-phê đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ NN và PTNT thì đến năm, toàn tỉnh Ðác Nông chỉ có 69.000 ha và đến năm 2030 chỉ có 66.000 ha, trong khi đó tỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 120.000 ha tăng gần gấp đôi so với quy hoạch của bộ. Tốt nhất là tỉnh nên giữ diện tích ổn định khoảng 80.000 ha để tập trung thâm canh tăng năng suất và chất lượng cà-phê xuất khẩu. Ðồng thời, cần tổ chức lại ngành sản xuất cà-phê, không để tình trạng tự phát mở rộng diện tích như lâu nay, dẫn đến không quản lý, kiểm soát được chất lượng nguồn giống, quy trình chăm sóc như tưới nước, bón phân, thu hoạch, chế biến, bảo quản và chất lượng cà-phê xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết giữa các hộ sản xuất cà-phê lại với nhau để sử dụng nguồn nước tưới hiệu quả, các phương tiện sản xuất phù hợp… từ đó giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế từ loại cây công nghiệp chủ lực này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()