Phát triển bền vững vùng Việt Bắc
Vùng Việt Bắc, trọng tâm ở ba tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn vốn là vùng đất nhiều khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm gần đây, nhờ nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư bài bản, công cuộc phát triển kinh tế-xã hội giảm nghèo ở ba địa phương này đã đạt nhiều kết quả.
Quan điểm thống nhất trong thực hiện ở ba tỉnh là không để ai bị bỏ lại phía sau; “trao cần câu” thay vì “tặng con cá” thông qua các mô hình hiệu quả, giải pháp thiết thực đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.
Cả hệ thống vào cuộc
Trong câu chuyện bên chén trà nóng giữa cái lạnh cuối đông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) Đồng Phúc Toản bày tỏ sự phấn khởi vì nhiều hộ nghèo trong xã đang đổi đời nhờ trồng mơ. Quả mơ của Cao Kỳ được chế biến, chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Người dân được bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, hộ có nhiều diện tích trồng mơ thu từ 300 triệu đồng trở lên trong một vụ là bình thường. Nhờ đó, xã Cao Kỳ đã giảm nghèo bền vững.
Vài chục năm trước, cây mơ được trồng nhiều ở huyện Chợ Mới mang theo mơ ước làm giàu của người dân. Thế nhưng thị trường bấp bênh, giá cả thấp, nên ước mơ này tan vỡ. Nhiều hộ cắn răng chặt bỏ cả vườn. Từ khi Công ty TNHH Misaki Việt Nam xây dựng nhà máy chế biến mơ tại huyện thì cây mơ đã hồi sinh. Xác định đây là cơ hội để giúp người dân giảm nghèo bền vững, từ tỉnh đến huyện, xã đã tạo điều kiện tối đa để công ty ký kết bao tiêu vùng nguyên liệu sẵn có, khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng mới.
Đến nay, huyện Chợ Mới đã có hơn 200 ha mơ với sản lượng bình quân mỗi năm gần 1.000 tấn quả. Toàn bộ quả mơ được bao tiêu với giá trung bình từ 10 nghìn đồng/kg trở lên. Mơ quả được chế biến theo công nghệ và giám sát của chuyên gia Nhật Bản để xuất khẩu sang Nhật Bản. Bên cạnh tạo đầu ra cho người trồng mơ, công ty còn tạo việc làm cho vài chục lao động tại địa phương với mức thu nhập cao, ổn định.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đang tạo ra chuyển biến trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) Nông Đình Tuấn chia sẻ, Ủy ban nhân dân xã cấp kinh phí hỗ trợ, giao Đoàn Thanh niên xóm Lũng Nặm xây dựng vườn ươm cây giống cấp miễn phí cho người nghèo.
Năm nay, xã phát triển hơn 14 ha cây gừng, diện tích cây hồi từng bước được mở rộng, hứa hẹn cho thu nhập khá. Năm 2021, từ ngân sách và nguồn xã hội hóa, huyện Bảo Lâm đã hỗ trợ 700 triệu đồng tiền giống cây sắn cho hộ nghèo. Hộ nghèo vay vốn mua bò, làm chuồng trại chăn nuôi cũng được hỗ trợ theo chính sách phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn với đặc thù từng vùng, từng dân tộc là cách được ba tỉnh lựa chọn để thực hiện tốt phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bí thư Chi bộ Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) Dương Văn Minh cho biết, với gần 150 hộ đồng bào dân tộc H’Mông, bản Tèn từng là một trong những bản khó khăn nhất tỉnh Thái Nguyên, gần 100% số hộ thuộc diện nghèo. Được tỉnh đầu tư trường học, kéo điện lưới quốc gia về từng hộ; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi như: ngô, gừng, mận, ba kích, bò, gà giống mang lại hiệu quả rõ rệt, nông sản và vật nuôi có đường vận chuyển đi tiêu thụ thuận lợi, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Bản Tèn là một trong số các thôn, bản được hưởng lợi từ Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống” của tỉnh Thái Nguyên. Đến nay, toàn bộ 15 xóm, bản có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông của Thái Nguyên được đầu tư đường bê-tông với tổng chiều dài hơn 42 km, 16 lớp học, 7 nhà văn hóa, 3 công trình nước sinh hoạt tập trung. Tất cả các xóm, bản đều có điện lưới quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Đề án giúp giảm khoảng 5,5% hộ nghèo mỗi năm.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, các tỉnh đặc biệt chú trọng đào tạo nghề cho người nghèo với quan điểm hỗ trợ “cần câu” thay vì “con cá”. Người lao động được đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp ở trong tỉnh và Thái Nguyên, đồng thời, định hướng xuất khẩu lao động. Từ năm 2016 tới nay, Bắc Kạn đã giải quyết việc làm cho hơn 31.803 lao động, tư vấn việc làm cho hơn 27.867 lao động, dạy nghề cho hơn 31.185 lao động. Tỉnh Thái Nguyên đề nghị Tổ hợp Samsung hạ chuẩn tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân.
Qua đó, hàng nghìn người dân tộc thiểu số, trong độ tuổi lao động trở thành công nhân với mức thu nhập ổn định, bình quân từ 7-9 triệu đồng/tháng. Thái Nguyên có tổng số 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, tỷ lệ người học nghề có việc làm sau đào tạo nghề đạt 75%.
Năm 2021, Cao Bằng giảm được 5.043 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 4,03%. Bắc Kạn giảm được 2.350 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giảm còn 2,16%, 31 xã, một huyện và 75 xóm ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Giảm nghèo bền vững
Vùng Việt Bắc đang hưởng lợi từ nguồn lực của nhiều chương trình, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, Chương trình 135. Bên cạnh đó, từng tỉnh cũng ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ giảm nghèo đặc thù; huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn Ma Nhật Hoài cho biết, hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú. Từ năm 2009 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 39 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này hỗ trợ hơn 31 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa hơn 3.400 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, tặng hơn 15.000 suất quà trị giá hơn 14 tỷ đồng cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán. Riêng năm 2021 huy động các nguồn lực xây dựng mới được 36 ngôi nhà, với tổng số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng.
Từ các nguồn hỗ trợ và nội lực, năm 2021, Cao Bằng hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng “xóa” 2.970 ngôi nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương cho gần 11 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay gần 600 tỷ đồng đầu tư mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống. Tương tự, tại Thái Nguyên, gần 100% hộ nghèo được vay vốn ưu đãi. Giai đoạn 2008-2020 tỉnh huy động hơn 15 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn tới, chuẩn nghèo mới đã thay đổi, nhiều tiêu chí được nâng lên, đòi hỏi việc giảm nghèo ở vùng Việt Bắc cần có những đổi mới. Những mục tiêu vì thế cũng đã có những khác biệt, cụ thể hơn cho từng vùng đặc thù. Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2%-2,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó các huyện nghèo giảm bình quân từ 3,5%-4% trở lên; hơn 40% số xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần, của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) Mã Gia Hãnh cho biết, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng hướng giảm nghèo của địa phương đã được chứng minh là đúng, đó là hỗ trợ và đổi mới. Hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nuôi, trồng những cây, con cho hiệu quả kinh tế cao hơn đi kèm là các chính sách hỗ trợ chuyển đổi. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững thì cần tăng mức hỗ trợ cho huyện theo chính sách phát triển nông lâm nghiệp, để hỗ trợ, “kích cầu” hộ nghèo chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Hải cho biết: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục gắn giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các dự án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới với mô hình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn việc làm, đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu hằng năm giảm 1% hộ nghèo trở lên.
Hiện tại, cả ba tỉnh đang tập trung triển khai các bước thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, giải pháp chủ chốt là thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề kết hợp giải quyết việc làm… giúp các hộ nghèo vươn lên, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; đồng thời, triển khai các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, phát triển hợp tác xã, làng nghề truyền thống, hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ý kiến ()