Phát triển bền vững vùng nguyên liệu
Từ nhiều năm qua, câu chuyện ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc luôn là vấn đề “nóng”, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ các mặt hàng nông sản trên cả nước. Cùng đó là tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá”, “trồng-chặt, chặt-trồng” vẫn tái diễn tại nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển bền vững của nhiều ngành hàng.
Chuối tươi Đồng Nai đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: NGUYỄN VƯƠNG |
Quy hoạch vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu, sản xuất theo tín hiệu thị trường là việc cần làm sớm để tạo dựng con đường nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.
Nâng cao chất lượng vùng trồng
Từ khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, người dân trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk đổ xô trồng sầu riêng khiến diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh phát triển “nóng”, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Trước tình trạng đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk Vũ Ðức Côn cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo nông dân không phá bỏ các cây trồng khác để mở rộng thêm diện tích sầu riêng, mà nên tập trung đầu tư sản xuất nâng cao sản lượng và chất lượng diện tích sẵn có vì cây sầu riêng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, không phải vùng đất nào cũng phù hợp để phát triển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo nông dân không phá bỏ các cây trồng khác để mở rộng thêm diện tích sầu riêng, mà nên tập trung đầu tư sản xuất nâng cao sản lượng và chất lượng diện tích sẵn có.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk Vũ Ðức Côn
Tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng và hoàn thiện quy trình theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, từ chọn giống, quy trình chăm sóc đến cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Ðịa phương sẽ tổ chức xây dựng Ðề án phát triển ngành hàng cây ăn quả chủ lực, trong đó chú trọng đến sầu riêng để nâng cao sức cạnh tranh với các nước có sản lượng sầu riêng lớn như Thái Lan, Malaysia, Campuchia.
Ðối với cây thanh long, sau một thời gian dài phát triển “nóng”, giờ lại bắt đầu đi vào “vết xe đổ” chặt phá và bỏ hoang. Ðể tháo gỡ khó khăn cho cây thanh long, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã lên kế hoạch quy hoạch và tái tạo lại vùng trồng.
Theo kết quả lấy ý kiến từ người trồng, có 82,6% vườn thanh long bị hư hại, bỏ hoang thống nhất trồng mới lại; 88,1% người dân thống nhất trồng thanh long theo quy trình VietGAP; 87,1% người dân đồng ý tham gia hợp tác xã để liên kết theo chuỗi giá trị.
Hiện tại, địa phương đang tích cực vận động người dân giữ vườn, chăm sóc; ngành chức năng tổ chức liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết bền vững và xây dựng, đăng ký mã vùng trồng đáp ứng các điều kiện xuất khẩu.
Xác định chuẩn hóa nguồn nguyên liệu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thực hiện chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho các mặt hàng, trong đó chủ lực là thanh long.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Ðinh Thị Phương Khanh
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Ðinh Thị Phương Khanh cho biết: Xác định chuẩn hóa nguồn nguyên liệu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thực hiện chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho các mặt hàng, trong đó chủ lực là thanh long.
Tại tỉnh Gia Lai, chanh leo cũng đang được nông dân quan tâm mở rộng diện tích, nhất là sau khi chanh leo được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch thí điểm từ giữa năm 2022, mở ra cơ hội cho loại cây trồng này trở thành “cây triệu đô” trong tương lai gần.
Chính vì vậy, để tránh xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt, hiện tỉnh Gia Lai đã chủ trương áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất chanh leo song song với việc đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất đặc thù cho cây chanh leo.
Dự kiến, đến năm 2025, diện tích chanh leo toàn tỉnh đạt 20.000ha. Theo đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giống, thu mua, chế biến sản phẩm; có nhiều giải pháp đồng bộ về quỹ đất, quy trình canh tác, thu hoạch… để nâng cao hiệu quả cho chanh leo.
Ðối với việc phát triển bền vững vùng trồng, ngoài quy hoạch diện tích, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, thì một trong những yêu cầu quan trọng là nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng cải tiến.
Theo TS Trần Thị Mỹ Hạnh-Viện Cây ăn quả miền nam, việc sản xuất cây ăn quả tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn gặp nhiều khó khăn như: nguồn giống chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; xâm nhập mặn, hạn hán, ngập lụt ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng; bùng phát dịch hại mới…
Ðể khắc phục những hạn chế trên, Viện Cây ăn quả miền nam đã nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống cây trồng cải tiến, khắc phục các hạn chế trong canh tác. Viện đang nghiên cứu nhiều chế phẩm sinh học, kỹ thuật canh tác an toàn, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao sản lượng, chất lượng cây trồng.
Trồng khoai lang ở Vĩnh Long. Ảnh: Bá Dũng |
Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm, các sản phẩm trái cây và khoai lang của Vĩnh Long hiện có nhu cầu xuất khẩu đi nhiều thị trường, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trường Trung Quốc. Riêng mặt hàng khoai lang được kỳ vọng có nhiều khởi sắc sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo sản phẩm khoai lang tươi của Việt Nam đáp ứng yêu cầu kiểm dịch chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, do diện tích sản xuất của địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán nên việc tập trung xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn gặp nhiều khó khăn. Ðến nay, Vĩnh Long đã gửi 38 hồ sơ về mặt hàng khoai lang nhưng mới chỉ được cấp 4 mã số vùng trồng, 6 mã số cơ sở đóng gói.
Ðến nay, Vĩnh Long đã gửi 38 hồ sơ về mặt hàng khoai lang nhưng mới chỉ được cấp 4 mã số vùng trồng, 6 mã số cơ sở đóng gói.
Không chỉ khoai lang, chanh leo và sầu riêng cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý và cấp mã vùng trồng.
Theo Công ty cổ phần Nafoods Group, chanh leo và sầu riêng là hai sản phẩm chủ lực của đơn vị. Tuy nhiên, diện tích trồng chanh leo tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán tại các vùng nên khâu quản lý và cấp mã số vùng trồng gặp nhiều khó khăn. Các địa phương cần sớm quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh cây chanh leo, có lộ trình phát triển vùng nguyên liệu chanh leo; hỗ trợ nông dân đăng ký và duy trì mã số vùng trồng.
Với sản phẩm sầu riêng, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk thông tin: Trước đây, quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói được giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện, còn hiện nay đã chuyển giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận hồ sơ và thực hiện đầy đủ các bước theo quy định, sau đó chuyển hồ sơ lên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để kiểm tra và phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật đăng ký cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Việc làm này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc đăng ký cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Nhờ đó, đến thời điểm hiện nay về vùng trồng, ngoài 23 mã số đã cấp với diện tích 1.447,9ha, trên địa bàn tỉnh đã thiết lập 15 mã số vùng trồng chờ duyệt với diện tích 680,1ha; 35 mã số vùng trồng đã tiếp nhận hồ sơ với diện tích 1.400ha. Về cơ sở đóng gói, ngoài 4 mã số cơ sở đóng gói đã cấp cho 4 doanh nghiệp trên địa bàn, hiện nay có 1 cơ sở đã thiết lập chờ duyệt và 3 cơ sở đã tiếp nhận hồ sơ.
Theo Ðề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2025 sẽ hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; Ðề án này sẽ góp phần phát triển và nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ. Ðề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Kon Tum, Ðồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang).
https://nhandan.vn/phat-trien-ben-vung-vung-nguyen-lieu-post741630.html
Ý kiến ()